Giải pháp giảm ca tử vong do Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, để số ca tử vong do Covid-19 thấp, cần tránh có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện do đó, việc chăm sóc tốt F0 tại nhà là vô cùng cần thiết.

Các nhân viên y tế tại quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) được tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19. Ảnh: HCDC.
Các nhân viên y tế tại quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) được tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19. Ảnh: HCDC.

Ca tử vong chủ yếu ở người bệnh nền

Theo Bộ Y tế, từ 17h30 ngày 15 - 16/12, Việt Nam ghi nhận 241 ca tử vong. Trong đó, TPHCM có 65 trường hợp tử vong. Trong số này, có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến là: Long An (3), Tiền Giang (2), Đồng Nai (1), Tây Ninh (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.857. Trước đó, sau giai đoạn dịch căng thẳng trong khoảng nửa cuối tháng 8, đầu tháng 9, số ca mắc Covid-19 mới và tử vong tại Việt Nam bắt đầu giảm mạnh.

Tuy nhiên, một tháng gần đây, số ca mắc Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước có dấu hiệu tăng. Số ca tử vong do Covid-19 cũng ở ngưỡng cao.

Tính đến 16 giờ ngày 16/12, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1.175. Trong 65 ca tử vong, có 91% kèm bệnh nền, 86% tuổi từ 50 trở lên. Không có trường hợp tử vong ở người dưới 18 tuổi và phụ nữ mang thai.

Tại TPHCM, sau những ngày giảm sâu (cuối tháng 10 - đầu tháng 11), từ đầu tháng 12, số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 có xu hướng tăng. Trung bình, số người tử vong khoảng 60 - 80 ca/ngày.

Trong đó, có 10 - 15% bệnh nhân nặng ở các tỉnh, thành khác chuyển đến. Theo Sở Y tế TPHCM, kết quả phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua cho thấy, phần lớn tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó.

Hiện, thành phố tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên và trẻ em 12 - 17 tuổi. Đồng thời, tiến hành tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại theo quy định, đặc biệt cho người thuộc nhóm nguy cơ.

Đến nay, TPHCM đã thực hiện 14.881.633 mũi tiêm vắc-xin Covid-19. Trong đó, có 7.950.886 mũi 1; 6.897.284 mũi 2; 10.025 mũi bổ sung; 23.438 mũi nhắc lại; 1.333.813 mũi tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi.

Chú trọng chăm sóc F0 tại nhà

Tại TPHCM, số ca tử vong do Covid-19 tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền. Để giảm số ca tử vong do Covid-19, thành phố đã triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo, người dân cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập, đặc biệt là vào lễ Noel cũng như năm mới. Hạn chế tụ tập tại nơi ở của người thuộc nhóm nguy cơ. Hạn chế tiếp xúc gần với người thuộc nhóm nguy cơ. Nếu phải tiếp xúc, hãy đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Đồng thời, đeo khẩu trang khi chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ. Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc. Khuyến khích, thuyết phục người thuộc nhóm nguy cơ tiêm vắc-xin khi đến lượt.

Khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19, cần khai báo ngay với y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly, xét nghiệm, điều trị. Khi nhiễm Covid-19, tuân thủ cách ly, không tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ.

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi Sinh Lâm Sàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, muốn số ca tử vong thấp, cần tránh có nhiều ca nặng phải nhập viện. Do đó, chuyên gia này đề xuất, trước hết, cần chăm sóc F0 tại nhà tốt.

Như vậy, có thể biết được các dấu hiệu trở nặng, như: SpO2 giảm dưới 95%, thở mệt dù đi vài bước, nhịp thở tăng, đau ngực, ho nhiều… Khi đó, F0 cần uống molnupiravir hoặc favipiravir kịp thời. “Lưu ý là không phải F0 nào cũng cần thuốc kháng virus mà chỉ cần dùng cho những người có nguy cơ cao như lớn tuổi, có bệnh nền, xuất hiện triệu chứng nghi chuyển nặng”, TS Vân nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, người dân cần được tiếp cận thuốc molnupiravir hay favipiravir dễ dàng. Bởi, TS Vân cho rằng, không thể để như tình trạng hiện nay là thiếu thuốc chính thức. Trong khi đó, thuốc được bán trên mạng với giá ngày càng cao.

Ngoài ra, cần phủ vắc-xin càng nhiều càng tốt. Bởi, hầu hết người đã tiêm vắc-xin khi nhiễm Covid-19 thường nhẹ. Khi đó, họ đã có kháng thể trung hoà nên cơ thể không cần phải sử dụng miễn dịch tự nhiên - yếu tố dễ tạo ra cơn bão cytokine ở những người có nguy cơ cao.

“Các địa phương nếu chưa phủ vắc-xin hay tỷ lệ còn quá thấp thì hãy cố phủ càng nhanh, nhiều, càng tốt. Phải cố gắng có sẵn thuốc kháng virus để điều trị ngay từ đầu cho các nhóm nguy cơ hay có dấu hiệu chuyển nặng.

Biến thể Omicron chắc chắn sẽ quét qua vì mức độ lây lan rất nhanh, gấp 4 - 5 lần Delta hiện nay. Do vậy, cơn lốc Omicron sẽ cực kỳ dữ dội đối với những vùng chưa phủ hay mức độ phủ vắc-xin còn thấp”, TS Phạm Hùng Vân cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.