(GD&TĐ) - Ngày 25/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đoàn kiểm tra việc thực hiện Đề án PCGDMN trẻ 5 tuổi tại TP.Hà Nội. Tham gia đoàn còn có đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội |
Theo Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Bích, thành phố hiện có 836 trường MN được phân bố ở 29 quận huyện, trong đó có 683 trường công lập, 153 trường ngoài công lập với tổng số 12.046 nhóm lớp.
Tính đến tháng 5/2011, toàn TP có 104.407 trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt tỷ lệ 100%, trong đó số trẻ được học trong các trường công lập chiếm 90,8% (gần 95.000 trẻ), tăng hơn gần 10.000 trẻ so với năm học trước.
Bên cạnh việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ tối đa theo đúng chủ trương của Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, số lượng trẻ dưới 5 tuổi được đến trường tăng hơn cùng kỳ năm học trước. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 29,1% so với số trẻ trong độ tuổi, tăng 3,1% so với năm học trước (tương đương với gần 10.000 trẻ). Tỷ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi ra lớp cũng tăng 7%, đạt 87% (tương đương 197.000 trẻ). Đáng chú ý, số trẻ dưới 5 tuổi được vào học tại các trường công lập cũng tăng; cụ thể tuổi nhà trẻ tăng hơn 16,7% , trẻ 3-4 tuổi tăng 3,8%.
Để thay đổi tư duy cho con đến trường chỉ là “gửi trẻ”, một mặt Sở GD-ĐT đã lên kế hoạch tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu tác dụng của việc đưa trẻ đến trường, mặt khác Sở yêu cầu các cơ sở GD tăng chất lượng công tác nuôi- dạy để “giữ chân” HS. Với số tiền 15-20.000đ/ngày ở nội thành và 10-15.000đ/ngày ở ngoại thành, bữa ăn của trẻ được xây dựng dựa theo khuyến nghị của Bộ Y tế, đảm bảo khẩu phần và hàm lượng.
Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT Hà Nội) Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: Bắt đầu từ năm học 2010-2011, Sở đã chỉ đạo triển khai thực hiện đại trà chương trình GDMN mới ở. Hiện có 818/836 trường MN với 9.470 nhóm, lớp thực hiện chương trình trên (đạt 97,7%). Riêng trẻ MN 5 tuổi, các em đều được phân vào lớp theo đúng độ tuổi, 100% được học 2 buổi/ngày vàcó 3.054 lớp thực hiện chương trình trên (đạt 100%). GV dạy lớp 5 tuổi là GV có năng lực sư phạm tốt, trình độ trên chuẩn…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thăm lớp học trường MN Hoà Xá,Ứng Hoà, HN |
Có được kết quả trên là nhờ những chính sách mang tính đột phá của thành phố, GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định, ngay từ năm 2007, với sự tham mưu của Sở, UBND thành phố đã cấp định mức 2 triệu đồng/HS/năm cho các trường MN bán công nông thôn.
Đến tháng 1/2009, HS những trường MN thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng cũng được hưởng định mức trên. Và từ năm 2011, 100% trẻ MN học trong các trường công lập trên địa bàn thành phố được hưởng định mức 3,4 triệu/HS/năm.
Đối với GV, ngay từ năm 2007, thành phố đã có quy định chế độ trợ cấp đới với GV, nhân viên không thuộc biên chế nhà nước làm việc trong các trường MN ở khu vực nông thôn. Theo đó, GVMN diện hợp đồng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn được hưởng hệ số trợ cấp 1,86, được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 35% và được đóng BHXH, BHYT… đồng thời tuyển dụng thêm GV, nhân viên y tế, kế toán, đảm bảo đủ định biên GV/lớp, các trường MN đều có nhân viên y tế chuyên trách và kế toán.
Hiệu trưởng trường MN Hoà Xá (Ứng Hoà, HN) Chu Thị Hoan cho biết: Những chính sách trên là động lực quan trọng, trực tiếp chuyển biến căn bản đời sống cũng như chất lượng cấp học này. GVMN trước đây hưởng lương chỉ từ 200-300.000đ/tháng nay được tăng gấp 3-5 lần, được đóng BHXH, BHYT, được hỗ trợ để học tập nâng cao trình độ nên ai nấy đều phấn khởi và nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận Hà Nội thực sự đã có những đột phá trong các chính sách dành cho GD mầm non và triển khai hiệu quả các giải pháp để thực hiện tốt Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi.
Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, Hà Nội tiếp tục quan tâm đến việc dành quỹ đất cho giáo dục mầm non, xây dựng quy hoạch trường lớp mầm non hợp lý, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh trên địa bàn. Thứ trưởng Nghĩa khẳng định, trên nền tảng những kết quả đã đạt được, Hà Nội sẽ tiếp tục có những sáng kiến đột phá cho GDMN nói riêng và ngành GD nói chung để giữ vững thành quả đã đạt được, là điểm sáng để các địa phương khác học hỏi mô hình, cách làm hay.
Lộc Hà