Hà Nội: 800.000 học sinh ăn bán trú trong 1 ngày

GD&TĐ - Với 800.000 học sinh ăn bán trú trong 1 ngày, việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn trường học luôn là bài toán khó với ngành GD-ĐT Hà Nội. Vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay tại Trường Mầm non Xuân Nộn vừa qua đã gióng lên hồi chuông báo động về ATTP bữa ăn bán trú trên địa bàn.

Bữa ăn bán trú của HS Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Hà Nội)
Bữa ăn bán trú của HS Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Hà Nội)

Đẩy mạnh kiểm tra và giám sát

Tại các trường học có tổ chức bán trú, nội trú vấn đề ATTP trong bữa ăn của học sinh càng trở nên quan trọng nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn giúp cho trẻ có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ về đức, trí, thể, mỹ.

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường học với gần 2 triệu học sinh và trên 100.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Toàn thành phố có 1.685 trường tổ chức ăn bán trú, chiếm tỷ lệ 63%. Trong đó có 1.074 trường mầm non, 456 trường tiểu học, 126 trường THCS, 29 trường THPT với 3 hình thức bếp ăn là: Tự nấu, thuê nấu tại trường và thuê cung cấp suất ăn.

Đối với cấp học mầm non, việc nuôi dưỡng là nhiệm vụ, nhưng với bậc tiểu học và các bậc cao hơn là phát sinh từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Nhà trường phục vụ bán trú để bảo đảm an sinh xã hội; học sinh được ăn bán trú và nghỉ tại trường không phải về nhà buổi trưa, cha mẹ học sinh không mất thời gian công sức đưa đón giữa giờ.

Hàng ngày, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ trung bình là trên 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1 đến 4 bữa trong ngày, tùy theo từng trường. Các nhà trường với tinh thần trách nhiệm cao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Đại diện cha mẹ học sinh phát huy hiệu quả các nguồn lực, thực hiện đúng chỉ đạo của các cấp, các cơ quan quản lý ATTP.

Hầu hết các bếp ăn tập thể trường học đều đáp ứng các quy định về ATTP như thủ tục pháp lý, điều kiện cơ sở, dụng cụ chứa đựng, thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến thức ăn, thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế. Công tác bán trú đang từng bước tạo sự yên tâm tin tưởng với cha mẹ học sinh.

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để bảo đảm ATTP bữa ăn bán trú trong trường học trên địa bàn Hà Nội, rất cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban giám hiệu các nhà trường, thầy cô giáo, nhân viên, cha mẹ học sinh, người sản xuất, chế biến, kinh doanh về ATTP.

Cùng với đó là sự phối hợp giữa nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh để bảo đảm ATTP ngày càng chặt chẽ. Chủ động công khai thực đơn thực phẩm trên website hoặc cổng thông tin điện tử của trường, công khai các đơn vị được lựa chọn cung ứng thực phẩm.

Một yếu tố cũng rất quan trọng, là sự phân công, phân cấp và phối hợp giữa các sở, ngành và UBND quận huyện, xã phường trong việc quản lý các bếp ăn trường học, cũng như công tác thanh kiểm tra từng bước được đẩy mạnh, chủ động giám sát, xét nghiệm và cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn.

Tránh việc trà trộn thực phẩm không an toàn

Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) có khoảng 900 em ăn bán trú. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ được nhà trường mà cả phụ huynh giám sát từ khâu thu mua đến chế biến bảo đảm thức ăn tươi sạch. Khu vực nấu nướng và dụng cụ nấu ăn luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Bà Chu Thị Thu Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường tuyên truyền đến nhân viên, giáo viên, học sinh hiểu về thực hiện vệ sinh ATTP. Trường cũng mời trung tâm y tế quận về nói chuyện, trao đổi với cán bộ giáo viên để biết lựa chọn những thực phẩm sạch. Tất cả thức ăn đều được kiểm nghiệm 3 bước theo quy định của ngành Y tế.

Có hơn 700 học sinh bán trú, Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ) đã thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm đã ký hợp đồng liên kết với đơn vị được lựa chọn thông qua UBND quận.

Bà Phạm Thị Minh Tuyết - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong quá trình giao nhận thực phẩm, nhà trường có ban quản lý bán trú, phân công nhiệm vụ trực tiếp nhận thực phẩm với bên cung ứng và nấu tại trường. Quá trình giao nhận thực phẩm diễn ra theo đúng quy trình theo thực đơn đã lên sẵn, và kiểm tra thực phẩm có đạt đủ tiêu chuẩn ATTP hay không.

Bên cạnh đó, trong quá trình chế biến có sự giám sát của đại diện Ban Đại diện phụ huynh học sinh, thanh tra nhân dân của nhà trường, đại diện Ban giám hiệu, giáo viên. Tất cả chứng kiến định lượng sống và cân định lượng chín để đưa vào suất ăn cho học sinh.

Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết: Để nâng cao chất lượng của bữa ăn bán trú, quận Tây Hồ đã xây dựng định lượng khẩu phần ăn cho các lứa tuổi và đưa vào phần mềm. Đến 9 giờ sáng hàng ngày, các thông tin định lượng bữa ăn được đưa lên mạng để nhà trường và phụ huynh kiểm soát. Những phụ huynh nào nếu cảm thấy bữa ăn không bảo đảm thì có thể đến tận nơi kiểm tra.

Các nhà trường cũng kiểm tra tận nơi đơn vị lấy thực phẩm, rau xanh, qua đó những đơn vị nào đủ điều kiện mới cho vào cung cấp dịch vụ bữa ăn. Hàng năm, các trường đều tổ chức hội nghị, mời các đơn vị cung cấp dịch vụ bữa ăn về cung ứng thực phẩm, rau xanh. Sau đó, quận họp lại nếu những đơn vị nào chưa đáp ứng yêu cầu phải loại bỏ. Quận đã chỉ đạo các nhà trường tiến hành kiểm tra đột xuất, mỗi kì 2 lần, giám sát quy trình giao nhận thực phẩm, tránh việc trà trộn thực phẩm không an toàn. Trong quá trình giao nhận thực phẩm, nhà trường, phụ huynh, Phòng GD&ĐT cùng giám sát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.