Tính trong 6 tháng đầu năm đã xử phạt hơn 5,2 nghìn “ma men”.
Nhiều “Chí Phèo” xuất hiện
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) phân tích, vào thời điểm toàn xã hội chung tay phòng chống dịch nhưng hiện tượng sử dụng bia rượu vẫn tồn tại.
Thiếu tá Long cho biết, qua thực tế nhận thấy khu vực nội thành gần như không xảy ra tình trạng uống bia rượu do hàng quán đóng cửa. Các công sở tuyên truyền nghiêm túc tác hại của rượu bia gây ra khi ngồi sau tay lái. Nhưng khu vực ngoại thành vẫn tồn tại hiện tượng cả nể mời nhau chén rượu, cốc bia trong bữa tiệc cưới, tang gia, mừng thọ hay bạn bè lâu ngày gặp nhau…
Trực tiếp xử lý nhiều “ca khó”, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 5 cho biết, khi kiểm tra nồng độ cồn đã xuất hiện “Chí Phèo”. Từ không hợp tác với lực lượng chức năng cho đến viện đủ lý do như: Đau bụng, nhà có việc… thậm chí còn có trường hợp dùng điện thoại cá nhân quay và vu khống tổ công tác.
Thượng úy Phùng Viết Hiếu, Đội CSGT số 6 thì lấy dẫn chứng, vừa qua (tối 1/7), tổ công tác xử lý tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc – Xuân Thủy (Cầu Giấy) đã ghi nhận trường hợp 1 người đàn ông khi yêu cầu đo nồng độ cồn đã lấy lý do đau bụng bỏ lại phương tiện tự đi về nhà. Cũng trong ca trực này, tổ công tác ghi nhận 1 trường hợp vi phạm ở mức 0,702 miligam/lít khí thở cao gần gấp đôi mức vi phạm kịch khung.
Ông Nguyễn Trường Tuấn (SN 1961 ở huyện Gia Lâm) khi bị tổ công tác Đội CSGT số 5 đo nồng độ cồn vào trưa 2/7 tại đê Gia Thượng đã vi phạm mức 0,126mg/l khí thở. Sau khi bị lập biên bản vi phạm, ông Tuấn liên tục giải thích rằng mình có uống một chút rượu từ sáng để ăn cơm cho trôi.
“Tôi cũng cẩn thận ngủ 1 giấc trước khi đi làm rồi nhưng không hiểu sao vẫn bị dính phạt nồng độ cồn…”, ông Tuấn thanh minh.
Còn với vi phạm 0,761 miligam/lít khí thở, bị phát hiện vào trưa 30/6 tại Km 24+500 trên tuyến Quốc lộ 3 qua thị trấn Sóc Sơn, ông Ngô Văn Hùng (SN 1967, ở huyện Sóc Sơn) đã bị phạt tiền 7 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước GPLX 23 tháng.
Tại chốt kiểm tra, ông Ngô Văn Hùng trình bày, bản thân làm thợ xây, do chủ hoàn thành nhà nên đã tổ chức liên hoan cho mọi người. Trong cuộc vui này, ông Hùng đã uống vài cốc bia…
Sau khi có những chuyển biến ổn định về dịch Covid-19, một số hàng quán được phép hoạt động trở lại, một số người dân vẫn còn chủ quan khi sử dụng rượu bia sau đó tham gia giao thông nên đơn vị đã triển khai nhiều đợt kiểm tra nồng độ cồn. Việc này cũng nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời điểm người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Đại úy Lê Thanh Bình - cán bộ Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, để phòng tránh dịch bệnh, tất cả ống sử dụng cho việc thổi nồng độ cồn đều là ống mới, mỗi người dân sử dụng một ống.
“Chúng tôi cũng yêu cầu người dân sử dụng khẩu trang đến khi thổi nồng độ cồn, sau đó đeo lại khẩu trang ngay. Trong quá trình làm nhiệm vụ CSGT cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong thời điểm dịch bệnh này hay kể cả sau khi dịch bệnh qua đi. Đội CSGT số 15 sẽ thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn huyện Sóc Sơn và Đông Anh”, Đại úy Bình nhấn mạnh.
Hơn 5,2 nghìn ma men
Cục CSGT (Bộ Công an) thống kê, trong tháng 6/2021, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 10.060 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Qua đó, phạt tiền gần 50 tỷ đồng, tước GPLX đối với 6.394 trường hợp.
Cục CSGT cũng cho biết, thời gian tới, tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an trong công tác bảo đảm TTATGT trong điều kiện diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, thực hiện Kế hoạch xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” lực lượng CSGT toàn quốc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Đồng thời, tập trung TTKS xử lý vi phạm vào khung giờ, tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời phát hiện xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm là nguyên chính dẫn tới TNGT. Đặc biệt là hành vi vi phạm nồng độ cồn, ma túy khi tham gia giao thông…
Góp phần vào thành tích chung này trong 6 tháng đầu năm 2021, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) đã xử lý 5.272 vi phạm về nồng độ cồn, phạt thành tiền hơn 20 tỷ đồng.
Từ 15/3 đến nay thực hiện kế hoạch của Cục CSGT, Phòng CSGT đã phát hiện, xử lý 2 trường hợp lái xe dương tính với ma túy, phạt thành tiền 70 triệu đồng.
Nói về giải pháp giảm TNGT do rượu bia, ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải cho lái xe ký cam kết khi tham gia giao thông không sử dụng rượu bia.
Còn Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, thời gian tới CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn.
“Đặc biệt, chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, tết. Khi kiểm tra, phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thì cương quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt…”, Đại tá Hải thông tin.