Hà Nội 27 dự án bị 'khai tử' thế nào?

GD&TĐ - Sở TNMT Hà Nội vừa đề nghị các quận, huyện thông tin công khai 27 dự án chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một ô đất quy hoạch xây trường trên phường Hoàng Liệt nhưng không được triển khai, cỏ mọc um tùm.
Một ô đất quy hoạch xây trường trên phường Hoàng Liệt nhưng không được triển khai, cỏ mọc um tùm.

Thành phố Hà Nội công khai 27 dự án quy hoạch trên hàng trăm ha đất nhưng chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật để thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, chấm dứt hoạt động dự án.

Thu hồi hàng loạt dự án “khủng”

Sở TNMT Hà Nội vừa đề nghị các quận, huyện thông tin công khai 27 dự án chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong đó có nhiều dự án khu vực ngoại thành Hà Nội với diện tích rộng lớn.

Đơn cử, tại huyện Thạch Thất, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty Cổ phần An Lạc làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn có quy mô gần 55ha. Ngoài ra, huyện Thạch Thất còn có các dự án biệt thự nhà vườn khác với quy mô hàng chục ha nằm trong danh sách bị thu hồi.

Còn tại huyện Mê Linh, các dự án chậm triển khai bị thu hồi quyết định gồm: Khu đô thị mới Prime Group - Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh), quy mô 99 ha của Công ty CP Prime Group; Dự án khu đô thị mới Vinalines, có quy mô 106ha, nằm trên địa bàn 3 xã của huyện Mê Linh.

Tương tự dự án Nam Đàn Plaza, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) và dự án Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng, số 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên)… cũng được UBND TP Hà Nội thu hồi trong đợt này.

Thành phố Hà Nội cũng có quyết định thu hồi dự án xây dựng trụ sở và khách sạn của Công ty TNHH Việt Anh tại số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa) với tổng diện tích gần 2.000m2.

Được biết, thời gian tới, các sở ngành của TP Hà Nội tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các dự án chậm triển khai bị thu hồi đất; các quận, huyện công bố công khai để nhân dân giám sát.

Mới đây (tháng 10/2022), tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hàng nghìn dự án “treo”.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội có những dự án dù được thành phố hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách nhưng chủ đầu tư cũng không thể thực hiện. Do vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, sau khi rà soát, thành phố sẽ có quyết định thu hồi thêm một loạt dự án.

Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vào tháng 12/2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Trọng Đông từng thông tin, trong 383 dự án chậm triển khai HĐND TP Hà Nội đã có ý kiến, liên ngành đã kiểm tra, ra kết luận kiểm tra với từng dự án.

Bổ sung quỹ đất cho giáo dục

Giữa tháng 9/2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Dương Đức Tuấn giao các sở ngành liên quan đề xuất phương án chấm dứt, dừng thực hiện 7 dự án với tổng diện tích khoảng 500 ha trên địa bàn huyện Mê Linh, Thường Tín, Nam Từ Liêm, do chậm triển khai, vi phạm pháp luật.

Việc thành phố Hà Nội chấm dứt 7 dự án trên cũng là thông điệp, quyết tâm của lãnh đạo Thủ đô trong xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp ‘ôm’ đất chờ thời sang nhượng kiếm lời.

Sự quyết liệt này càng được chờ đợi trong câu chuyện nghịch lý: “Đất xây trường bỏ hoang, phụ huynh giành nhau lá thăm suất học”.

Liên quan đến dự án trường học tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), ngày 29/12 trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) khẳng định, năm 2023 sẽ triển khai.

Trước đó, tại buổi giao ban báo chí của UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái cho biết, quận Hoàng Mai là quận có dân số đông nhất Hà Nội. Địa bàn quận có 227 tòa nhà chung cư cao tầng, 202 nhà chung cư cũ, và sẽ tiếp tục xây dựng 5 tòa nhà chung cư nữa tại phường Hoàng Liệt. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 tòa chung cư và 5 tòa đang xây dựng.

Theo ông Trần Quý Thái, quy mô mạng lưới trường lớp của quận năm học 2022 - 2023 có 89 trường học, trong đó 59 trường công lập, 30 trường ngoài công lập. Số học sinh là hơn 98.000 học sinh, bình quân 4 năm liên tiếp từ năm 2021 đến nay mỗi năm tăng 3.836 học sinh.

Riêng phường Hoàng Liệt có 92.000 người, bình quân tăng khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non hàng năm. Theo thống kê, trẻ trên địa bàn phường Hoàng Liệt từ 0 đến 16 tuổi là hơn 19.000 trẻ, trong đó số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn đi học là hơn 8.000 trẻ, phường có 11 trường và 79 nhóm lớp mầm non.

Ông Trần Quý Thái cũng cho biết, thời gian tới UBND quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Riêng phường Hoàng Liệt dự kiến sẽ xây thêm trường mới cho năm học 2023 - 2024 để tăng số trường lớp mầm non để đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh đó, UBND quận Hoàng Mai cũng khuyến khích huy động và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục đào tạo. Chính quyền quận khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu giáo dục; đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị tòa nhà chung cư.

Quận Hoàng Mai cũng yêu cầu các chủ đầu tư có cam kết thực hiện nghiêm túc xây dựng trường lớp đúng tiến độ hạ tầng xã hội, trong đó có trường học, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Liên quan đến các dự án chậm tiến độ, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 9/12, trả lời chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, công tác thúc đẩy các dự án đầu tư của thành phố luôn được HĐND, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục chất vấn tại kỳ họp này.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương rà soát để chỉ đạo khắc phục những bất cập này; thúc đẩy tiến độ dự án và kiên quyết xử lý những dự án cố tình chây ỳ và chậm tiến độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ