Hà Nội: 100% số xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đón học sinh trở lại

GD&TĐ - Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4726 gửi UBND các tỉnh, TP về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Các trường học sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện phòng dịch để đón học sinh quay trở lại học trực tiếp.
Các trường học sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện phòng dịch để đón học sinh quay trở lại học trực tiếp.

Hà Nội đủ điều kiện cho 100% học sinh học trực tiếp

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, TP khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh đến lớp học trực tiếp, bảo đảm an toàn tại các cơ sở giáo dục; ưu tiên tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ. Các trường học được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung cần sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại…

Căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường.

Trong đó, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): Tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học...

Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp; phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.

Tại Hà Nội, theo công bố mới nhất của Sở Y tế, tổng số xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (vùng xanh) của thành phố là 343; tổng số xã, phường, thị trấn vùng 2 (vùng vàng) là 236. Thành phố không có xã, phường, thị trấn nào thuộc vùng 3, 4 - nguy cơ cao về dịch Covid-19. Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì Hà Nội có 100% số xã, phường, thị trấn đủ điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp.

Nên mở dần cho từng khối lớp

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, Sở đã xây dựng nhiều phương án tổ chức dạy học để ứng phó linh hoạt với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong các phương án đề ra, có phương án cho học sinh quay trở lại trường học. Song, trước diễn biến mới của dịch Covid-19 và căn cứ vào tình hình thực tế, Sở đã rút lại phương án này và đang tiếp tục xem xét, chưa trình UBND thành phố Hà Nội.

Sở GD&ĐT Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức dạy học phù hợp với tình hình mới với mục tiêu vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý của các nhà trường, vừa duy trì, bảo đảm chất lượng dạy học.

Về nội dung cụ thể của phương án mới, ông Trần Thế Cương cho biết, cần căn cứ nhiều yếu tố, trong đó có đánh giá của cơ quan chức năng về mức độ của dịch Covid-19 tại từng địa bàn cụ thể và văn bản của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp. Từ các yếu tố này, Sở mới có thể xây dựng phương án tổ chức dạy học phù hợp, an toàn. Sau khi hoàn thiện phương án, Sở sẽ trình UBND thành phố phê duyệt.

Dù luôn ở tư thế sẵn sàng đón học sinh nhưng lãnh đạo các trường và các phòng giáo dục đều cho rằng việc mở cửa lại trường học phải đảm bảo trước tiên về công tác an toàn sức khỏe cho học sinh. Theo đó, Hà Nội nên mở dần cho từng khối lớp và ưu tiên mở lại ở vùng xanh.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho hay học sinh trở lại trường là mong mỏi không chỉ của phụ huynh mà của cả ngành giáo dục do việc học trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng bằng học trực tiếp. Bên cạnh đó, việc học trực tuyến cũng dẫn đến nhiều hệ lụy như học sinh chịu tác động tiêu cực về thể chất và tâm lý.

Tuy nhiên, với phương châm phải ưu tiên số một cho việc đảm bảo an toàn cho học sinh trước dịch bệnh, Phòng GD&ĐT quận đã tham mưu, đề xuất với Sở GD&ĐT Hà Nội về việc có thể cho học sinh đến lớp dần theo lứa tuổi. Học sinh được tiêm trước sẽ đến trường trước. Nếu mở cửa theo khối lớp có thể ưu tiên các học sinh đầu cấp và cuối cấp trước.

Còn ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay đã phức tạp hơn trước rất nhiều nên cần thêm thời gian để tình hình dịch kiểm soát tương đối ổn cũng như học sinh có thể tiêm vắc-xin. Ai cũng mong muốn trường học sớm hoạt động trở lại, nhưng phải xây dựng phương án hết sức cẩn thận, chi tiết, nên triển khai từng bước, từng vùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.