Các mục tiêu khác đặt ra trong báo cáo này còn là: Đến năm 2020, có 100% trường mầm non, phổ thông trong toàn tỉnh có phòng học kiên cố;
Chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT;
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cả ba mặt giáo dục: Dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục giữ vững thứ hạng cao trên toàn quốc;
Có hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia của mầm non, phổ thông chiếm tỷ lệ trên 80%; trong đó, các trường khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 90%; phấn đấu 70% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT đạt chuẩn 100%. Trong đó trên chuẩn với mầm non là 70%, tiểu học 100%, THCS 85%, THPT 17%...
Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nam sẽ thực hiện tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là ở các vùng khó khăn về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với GD&ĐT và vai trò, tầm quan trọng của GD&ĐT đối với công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện tốt phân luồng trong hệ thống, đặc biệt là phân luồng sau THCS, THPT và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nhân lực, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2020; triển khai Đề án xóa mù chữ đến năm 2020 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu người học...
Báo cáo đề nghị các Bộ, ngành của Trung ương xem xét, quan tâm hỗ trợ tăng tỷ lệ cấp kinh phí cho các tỉnh còn nhiều khó khăn tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.