Thông tin về vụ việc cho thấy, khoảng 14 giờ ngày 2/8, 2 cháu Ly Thị Ch., 11 tuổi và Ly Thị M., 6 tuổi cùng trú tại thôn Khúa Lủng, xã Tả Phìn rủ nhau ra nương ngô gần nhà hái quả hồng châu để ăn.
Đến khoảng 6 giờ ngày 3/8, cháu M. xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, khó thở, còn cháu Ch. có triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy nhiều lần. Đến 14 giờ cùng ngày, cháu M. có dấu hiệu sưng hai mắt, nấc và không nói được.
Thấy vậy gia đình đã đưa 2 cháu đến Trạm y tế xã để chữa trị. Trên đường đi cấp cứu, cháu M. đã tử vong, còn cháu Ch. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn để tiếp tục theo dõi và điều trị. Nguyên nhân ban đầu được xác định là 2 cháu bị ngộ độc do ăn quả hồng châu.
Hiện tại sức khỏe cháu Ch. đã ổn định và tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Trước đó, vào ngày 24/7, 5 cháu nhỏ cùng trú tại thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cũng phải nhập viện vì ăn quả hồng châu. Hiện tại, sức khỏe cả 5 cháu đã ổn định, không còn các triệu chứng của ngộ độc.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang, cây hồng châu này thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài 11-12 cm, màu xanh đậm. Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt.
Để chủ động phòng, chống ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người dân, học sinh tuyệt đối không ăn các loại quả rừng không rõ nguồn gốc. Khi có dấu hiệu bị ngộ độc quả rừng, cần chuyển nạn nhân đến trạm xá hoặc các trung tâm y tế trong thời gian nhanh nhất để được điều trị kịp thời.
Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về nguy cơ ngộ độc các loại cây, quả trong tự nhiên.