Hà Giang: Đến trường học chữ, học văn hóa dân tộc

GD&TĐ - Ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang – cho biết: Công tác đưa giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các đơn vị trường học của tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Hà Giang: Đến trường học chữ, học văn hóa dân tộc

Với địa bàn có học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 87%, công tác giới thiệu, truyền dạy về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được các đơn vị trường học chú trọng, triển khai với các nội dung phong phú và đa dạng.

Thông qua tích hợp vào các môn học, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, các buổi chào cờ đầu tuần cũng như các ngày lễ lớn trong năm các em học sinh đã được học văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số một cách tự nhiên, hào hứng.

Các trường đã giới thiệu về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian ở địa phương cũng như của tỉnh Hà Giang. Truyền dạy một số làn điệu dân ca của địa phương như hát Sli, hát Lượn, dân ca Lô Lô, dân ca Mông, sử dụng một số nhạc cụ dân tộc như khèn môi, khèn lá, sáo Mông, đàn Tính.

Trong năm học vừa qua, nhiều nhà trường đã tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tại địa phương mình như Lễ hội Lồng Tồng, lễ hội nhảy lửa, lễ hội mừng lúa mới, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh yến, tung còn, ném pao, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê.

Bên cạnh đó còn tổ chức hoạt động sưu tầm, trưng bày các nhạc cụ dân tộc, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất của các dân tộc về trưng bày trong phòng truyền thống, thư viện hoặc góc lớp học. Tổ chức các cuộc thi như hát các làn điệu dân ca truyền thống, làm các đồ dùng, nhạc cụ truyền thống, thêu, dệt trang phục truyền thống. Mời các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản hướng dẫn học sinh học hát Then, hát Cọi, múa khèn, múa gậy đồng xu, làm các đồ dùng, trang phục, nhạc cụ truyền thống. Qui định học sinh mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày thứ hai đầu tuần và các ngày kỉ niệm, ngày lễ lớn.

Có thể thấy, thông qua các hoạt động giới thiệu, truyền dạy văn hóa tryền thống các dân tộc thiểu số trong nhà trường, đã cung cấp cho các em học sinh những hiểu biết về văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa phương mình đang sinh sống. Qua đó, góp phần vào công tác bảo tồn giá trị và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, các vùng miền, trên cơ sở nhận thức sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ