(GD&TĐ) - Xung quanh câu chuyện về điểm sàn, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định này của Bộ GD&ĐT. Đã thi 3 chung thì phải có điểm sàn. Nếu không có điểm sàn sẽ không thể duy trì chất lượng giáo dục đại học...
Thí sinh thảo luận sau giờ thi |
PGS.TS, Đại tá Trần Đình Tuấn - Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng: Điểm sàn khác nhau cho từng nhóm trường
Đã thi 3 chung thì phải có điểm sàn. Nếu không có điểm sàn sẽ không thể duy trì chất lượng giáo dục đại học. Còn nếu hạ điểm sàn, chất lượng giáo dục đại học sẽ đi xuống.
PGS.TS, Đại tá Trần Đình Tuấn |
Thời gian qua, điểm sàn cho các trường cơ bản là hợp lý. Bộ GD&ĐT đã tính toán để làm sao với điểm sàn quy định, số sinh viên trúng tuyển sẽ cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức điểm sàn như vậy đã khiến một số trường đại học khó tuyển sinh.
Theo tôi, với trình độ của các nhóm trường phát triển không ngang bằng nhau, nếu ta đặt một điểm sàn chung thì sẽ rất khó cho những trường mới thành lập trong công tác tuyển sinh.
Nên chăng ta thực hiện việc phân nhóm các trường ĐH trong cả nước, để cùng ngành đào tạo, nhưng từng nhóm trường lại có điểm sàn khác nhau.
Trường tốp trên thì có điểm sàn cao hơn các trường tốp dưới, những trường mới thành lập hoặc đang trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc ta cần phân hạng các trường ĐH, xây dựng bộ tiêu chí để chia các trường theo nhóm, ví dụ như tiêu chí về địa lý, khu vực, về bề dày truyền thống, uy tín, thương hiệu, trình độ năng lực, khả năng đào tạo… của từng trường.
Vấn đề đặt ra là đặt tiêu chí nào là trọng số quan trọng, trọng số nào tỷ lệ nhiều hơn, trọng số nào tỷ lệ ít hơn… Để làm được như vậy cần một hội đồng với những phân tích, đánh giá khoa học. Như vậy, có thể điểm sàn của một số trường đại học ở các địa phương không cao nhưng chất lượng đào tạo vẫn tốt. Bởi vì, nhà trường đã đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương đó.
Trong những vấn đề “nóng” của giáo dục đại học hiện nay, điểm sàn chỉ là một phần, bởi xây dựng điểm sàn hợp lý là để có người học. Khi có người học rồi, thì phải có người dạy tốt, có người quản lý tốt, có được chương trình, nội dung, cơ sở vật chất tốt… để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Chính vì vậy, điều quan trọng với các trường đại học hiện nay là cần nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ quản lý.
Song song với đó là đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế điều hành. Ví dụ như cần tăng quyền tự chủ trong xây dựng chương trình, nội dung của các cơ sở đào tạo. Mỗi trường đại học phải tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng chương trình nội dung giảng dạy, sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, của địa phương, của người học.
Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu: Hạ điểm sàn là đi ngược định hướng nâng cao chất lượng
Để có một mức điểm sàn hợp lý, phản ánh đúng mặt bằng kiến thức của học sinh, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đổi mới, cải tiến để làm sao ra được những đề thi ĐH-CĐ thật hay, mang tính phân hóa, phù hợp với chỉ đạo chung trong việc dạy và học tại các trường phổ thông theo tinh thần đổi mới giáo dục mà ngành đang thực hiện.
Theo dõi các ý kiến xây dựng điểm sàn mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, tôi thấy, đề xuất lấy điểm thi tốt nghiệp THPT làm điểm sàn xét tuyển ĐH là điều không hợp lý.
Việc một số trường đề xuất nên hạ điểm sàn để tăng nguồn tuyển, là việc không nên khi ngưỡng điểm sàn năm trước đã tương tối thấp. Điểm sàn thấp hay cao lệ thuộc rất nhiều vào đề thi ĐH, CĐ của Bộ.
Vì vậy, Bộ cần phải ra được các đề thi vừa sức với thí sinh, phù hợp với mặt bằng chung của đa số học sinh.
Như vậy sẽ là hợp lý nhất, vì chúng ta sẽ có được một điểm sàn phù hợp. Bởi xét cho cùng, việc xây dựng điểm sàn như thế nào, quan trọng nhất vẫn là lệ thuộc vào đề thi.
Trong vài năm trở lại đây, chương trình, phương pháp dạy học tại các trường phổ thông đã thay đổi rất nhiều. Bộ GD&ĐT cũng đã và đang có những chỉ đạo đổi mới và quyết liệt đổi mới. Các nhà trường đã làm và đang làm khá tốt và có hiệu quả việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Việc dạy học đã bám chặt với chuẩn kiến thức kỹ năng, không mang quá nhiều tính hàn lâm, gắn việc dạy học nhiều hơn giữa lý thuyết và thực hành chất lượng…Vì thế, việc chọn ra đề thi như thế nào cho mỗi kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ, để trên cơ sở đó xây dựng điểm sàn mới là điều mà chúng ta cần chú ý.
Tôi theo dõi và nhận thấy, 3 năm trở lại đây, công tác xây dựng quỹ đề thi và ra đề thi của Bộ được xã hội, những nhà sư phạm, thầy cô giáo đánh giá rất cao khi có những đổi mới, cải tiến rất đáng ghi nhận.
Chính vì thế, để có một mức điểm sàn hợp lý, phản ánh đúng mặt bằng kiến thức của học sinh, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đổi mới, cải tiến để làm sao ra được những đề thi ĐH, CĐ thật hay, mang tính phân hóa, phù hợp với chỉ đạo chung trong việc dạy và học tại các trường phổ thông theo tinh thần đổi mới giáo dục mà ngành đang thực hiện.
Đừng vì chỉ tiêu của một vài trường mà hạ điểm sàn, nhằm mở rộng nguồn tuyển, đáp ứng đòi hỏi của một số nhỏ các trường. Như thế là đi ngược định hướng, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giáo dục phổ thông.n
Nguyễn Quỳnh Như - Học sinh lớp 12 chuyên Toán - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM: Chọn trường qua danh tiếng và chất lượng
Em quan tâm đến chọn ngành nào, trường nào hơn là vấn đề điểm sàn. Nhưng nếu nói bỏ điểm sàn, thì em lại không đồng ý, bởi muốn học ĐH, phải đạt mốc điểm thi tối thiểu quy định.
Thông qua báo chí, em biết việc các cơ quan, trường ĐH và Bộ GD&ĐT đang thảo luận để xây dựng khung điểm sàn phù hợp cho mùa tuyển sinh năm nay.
Đấy là một việc làm rất cần thiết vì điểm sàn sẽ đảm bảo cho chất lượng đầu vào, cũng như phân loại ĐH ra theo từng phân khúc.
Người nào có học lực trung bình thì học trường tốp dưới, người nào có học lực khá, giỏi thì học trường tốp trên.
Nếu chúng ta không xây dựng điểm sàn, bỏ lỏng đầu vào điều đó không chỉ gây nên sự bất công, tính ỷ lại và cả sự thiếu quyết tâm cho các bạn học sinh.
Chất lượng đầu ra của sinh viên cũng đáng lo ngại nếu điểm đầu vào thấp. Do đó chúng ta không nên hạ điểm sàn để mở rộng nguồn tuyển.
Tốt nhất Bộ GD&ĐT nên xây dựng điểm sàn dựa trên điểm trung bình môn mà các bạn thi được. Đó là mốc tối thiểu em nghĩ một học sinh cần phải đạt được để theo học ĐH. Còn chuyện các trường tuyển hay không tuyển được thí sinh đâu phải lỗi do Bộ và các trường phổ thông?
Vì đơn giản, khi trường nào đó không có được một thương hiệu chắc chắn, sự đầu tư và hiệu quả đào tạo hời hợt, không cao thì việc các bạn học sinh không dự tuyển, không nộp hồ sơ học là chuyện bình thường. Các trường không tự điều chỉnh, hướng đến việc nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất, việc đào thải khỏi môi trường giáo dục là chuyện dĩ nhiên họ phải đối mặt.
PV ghi