Gương mặt thế giới 2019

GD&TĐ - Năm 2018 được coi là một năm dữ dội của một thế giới nhiều biến động. Một số sự kiện đã dừng lại, nhưng cũng có không ít sự kiện vẫn đang tiếp nối. Trên cơ sở đó, truyền thông quốc tế cùng các chuyên gia, nhà quan sát đã chọn ra một số sự kiện tạo thành “gương mặt thế giới” năm 2019. Sau đây là 3 trong số các sự kiện quan trọng đó.

Cuộc chiến thương mại Mỹ  - Trung sẽ tiếp tục tác động tới kinh tế thế giới năm 2019
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục tác động tới kinh tế thế giới năm 2019

Trung Đông ra sao khi Mỹ rút quân?

Trong một ngày cuối tháng 12 của năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thăm binh sỹ Mỹ đang đóng quân tại Iraq. Chuyến đi của ông Trump cùng Đệ nhất phu nhân được coi là rất bí mật, khi mà cả “chủ nhà” là giới lãnh đạo Iraq cũng không hề hay biết.

Hiện có khoảng 5.000 binh sỹ Mỹ đồn trú tại Iraq.

Ông Trump tới đây bên cạnh việc động viên binh sỹ của mình (ví dụ như việc hứa tăng lương), thì theo giới quan sát, hình như Tổng thống Mỹ muốn truyền đi thông điệp mới: Rút quân!

Phán đoán này là có cơ sở khi mà vào ngày 19/12/2018, ông Trump đã đưa ra lộ trình rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ ở Syria về nước. Lý do được ông Trump đưa ra là lực lượng phiến quân IS tại đây đã suy yếu hoàn toàn. Thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết, việc rút quân khỏi Syria sẽ mất khoảng 60 - 100 ngày.

Nói như Kyle Kempfer - một chuyên gia quân sự Mỹ nói với tờ Military Times thì nếu quân đội Mỹ (ủng hộ lực lượng người Kurd) rút đi thì sẽ tránh được được một cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, khi quân đội nước này muốn tiến vào Syria.

Nhận xét của Kyle Kempfer cũng khách quan cho thấy nước Mỹ đang bỏ rơi người Kurd - lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc đánh bại IS trên thực địa. Và như vậy, tình hình Syria trong năm 2019 này không thể nói là sẽ sáng lên.

Cùng với việc tuyên bố rút quân khỏi Syria, Tổng thống Mỹ cũng lên kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Nếu kế hoạch này được thực hiện trong thực tế thì có tới 14.000 bính sỹ Mỹ sẽ về nước. Cuộc chiến Afghanistan với sự hiện diện của quân đội Mỹ đã kéo dài 17 năm. Và, với động thái này, nó cũng cho thấy sự bất an ở chiến trường từng một thời nóng bỏng.

Theo ABC News, đợt 1 có thể Mỹ sẽ rút 7.000 quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, dự định rút quân Mỹ khỏi đây không hẳn đã nhận được sự ủng hộ của chính giới nước Mỹ. James Mattis - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 2/2019 trong một tuyên bố đã nói rằng: “Tôi không nghĩ đó là một sáng kiến”. Còn Ngoại trưởng Mike Pompeo lẫn Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đều từ chối trả lời phỏng vấn khi họ cho rằng câu hỏi: “Tổ chức khủng bố Taliban đã bị đánh bại chưa?” vẫn không có câu trả lời rõ ràng.

Vậy, giới quan sát nhìn nhận thế nào việc ông Trump rút quân khỏi các quốc gia Trung Đông? Câu trả lời có cùng mẫu số đó chính là chính sách nhất quán “nước Mỹ trên hết”, quyền lợi của Mỹ là tất cả của ông Trump. “Ông Trump không muốn mất thêm một đôla nào cho quân đội đóng ngoài biên giới nước Mỹ” - ABC News bình luận.

Hòa bình cho bán đảo Triều Tiên

Có lẽ điểm sáng nhất của năm 2019 là những bước tiến mới tiến tới hòa bình, hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Giới quan sát thống nhất cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6/2018 chính là “bước ngoặt lịch sử” đối với bán đảo này.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu chính trị thế giới cũng cho rằng, cần lưu ý tới trục Triều Tiên - Hàn Quốc trước khi đưa ra một đoán định nào đó.

Trên thực tế, người ta hay hướng sự chú ý tới thượng đỉnh Mỹ - Triều, mà ít để ý tới vai trò tối quan trọng của chính người trong cuộc: Hai miền Triều Tiên. Và ở đây, vai trò “con thoi” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là hết sức quan trọng, và có thể nói công trạng đầu thuộc về ông Moon. Không giống như 2 người tiền nhiệm có tư tưởng bảo thủ trước đây của mình, ông Moon Jae-in, một luật sư, luôn kiên định theo đuổi hướng tiếp cận mới với Triều Tiên. Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Time lúc thực hiện chiến dịch tranh cử, ông Moon từng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phục hồi mối quan hệ rạn nứt với Triều Tiên. “Dù ông Kim có là nhà lãnh đạo vô lý, chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế rằng ông ấy lãnh đạo Triều Tiên. Bởi vậy chúng ta cần nói chuyện với ông ấy” - ông Moon nói.

Kinh nghiệm mà ông Moon có được từ việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2007 cùng hàng loạt vòng đàm phán 6 bên thời còn là Chánh Văn phòng của Tổng thống Roh Moo-hyun (2003 - 2008) cũng mang lại cho ông sự thấu hiểu và tự tin rằng, hướng tiếp cận từng bước vẫn có thể có tác dụng. Điều này là thực tế, bởi Tuyên bố chung 2005 mà bàn đàm phán 6 bên đưa ra từng nhất trí về các bước giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân Triều Tiên, một thỏa thuận hòa bình và bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ - Triều.

Tuy thế, thì một trở ngại quan trọng trong quá trình hòa bình cho bán đảo Triều Tiên chính là việc CHDCND Triều Tiên có thực sự dỡ bỏ những khu vực thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, hay không. Và như vậy, người ta đành phải trông chờ vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể sẽ diễn ra trong năm nay.

Một thế giới đa cực

Khi tuần đầu tiên của năm 2019 đi qua, người ta vẫn băn khoăn tự hỏi kinh tế thế giới sẽ ra sao khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, tuy rằng cả hai bên đều đã đưa ra những hành động được coi là “thiện chí”. Giới quan sát cho rằng, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã muốn xuống thang nhưng chưa nước nào chịu “đi bước đầu tiên”.

Còn nhớ, ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, thì cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chính thức bước vào “cuộc chiến”. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu cuộc chiến đó vẫn kéo dài thì tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2019 sẽ giảm sâu.

Ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, cũng như đối với nhiều quốc gia từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là điều không thể chối cãi. Nó sẽ còn tiếp tục tác động trong năm 2019 này, cho dù có giảm nhiệt đi chăng nữa. Vẫn theo IMF, khi cuộc chiến đã phát động thì muốn “hòa bình” cũng cần có thời gian, và còn cần nhiều thời gian hơn để lấy lại thăng bằng từ những tổn thất trước đó.

Nhưng, việc gì cũng có hai mặt. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đôi khi lại làm lộ ra “khoảng trống” cho các nước khác. Theo IMF, năm 2019 sẽ chứng kiến một “tổng thể kinh tế đa cực và đa diện”, khi “thời cơ làm giàu sẽ đến với nhiều nền kinh tế sống trong hòa bình” - ám chỉ những quốc gia kiếm được lợi thế khi Mỹ - Trung sa lầy trong cuộc chiến thương mại.

Giới quan sát cho rằng, thế đa cực sẽ đến từ Nhật Bản, Australia, Canada, Brazil và Nga. Đây là những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, nhưng chưa có cơ hội bứt phá. Còn về “đa diện”, vẫn theo IMF, tổng lượng sản xuất và lưu chuyển hàng hóa trên phạm vi toàn cầu sẽ phong phú hơn rất nhiều, bởi “chúng không chỉ được sản xuất ở những quốc gia khổng lồ” mà còn ở nhiều quốc gia.

Tuy thế, giới chuyên gia vẫn cho rằng, năm 2019 sẽ là một năm khó khăn của kinh tế thế giới.

Brexit của người Anh và viễn cảnh nào dành cho EU
 Việc nước Anh “li khai” khỏi EU bằng chính sách Brexit vẫn không hề đơn giản. Ngay trong chính nước Anh, người ta cũng “không tự định đoạt được số phận của mình”; vì rằng rất có thể một cuộc tái bỏ phiếu sẽ được tổ chức. Tới nay, EU vẫn “rắn” hơn người Anh trong quá trình thương thảo Brexit. Bề ngoài có vẻ như EU tự tin trước những quyết định của mình mà “không cần có người Anh” - nói như bình luận viên của CNN. Và như thế, việc “li khai” của người Anh và tương lai EU vẫn là điểm tối trong bức tranh gương mặt thế giới 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ