Tăng cường phối hợp
Mới đây, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) thực hiện việc gửi hình ảnh suất ăn bán trú hằng ngày của học sinh về phòng GD&ĐT và phụ huynh để tăng cường giám sát bữa ăn học đường. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với động thái trên sau khi ghi nhận sự cố liên quan đến suất ăn bán trú, an toàn thực phẩm thời gian qua.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu An – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, đây là cách hay khi phụ huynh biết được con ăn gì ở lớp và có phù hợp hay không. Nêu thực tế tại đơn vị, cô Thu An cho biết, nhà trường đã họp thống nhất và khuyến khích giáo viên các nhóm lớp chụp lại hình ảnh suất ăn hằng ngày của trẻ gửi về cho phụ huynh.
“Đó là cách công khai thực đơn của trẻ, vừa thể hiện sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường trong việc giám sát bữa ăn học đường. Mỗi ngày, nhà trường cùng đại diện phụ huynh thực hiện nghiêm túc khâu giao nhận thực phẩm. Mọi loại thực phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng mới được đưa vào bếp chế biến. Sau đó là khâu chia thực phẩm về cho từng lớp phải đủ định lượng theo quy định”, cô An thông tin.
Cô Nguyễn Thị Thu An – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã họp thống nhất và khuyến khích giáo viên các nhóm lớp chụp lại hình ảnh suất ăn hằng ngày của trẻ gửi về cho phụ huynh. |
Dự kiến trong tháng 12, Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm thí điểm mô hình “bữa ăn gia đình” tại trường. Tức là, phụ huynh đăng ký với nhà trường để cùng ăn trưa tại lớp học. Trẻ sẽ trải nghiệm bữa ăn giống ở nhà và tự làm các công việc như chuẩn bị bàn ăn, lấy bát, thìa, dĩa, đũa để ăn cơm. Có con học tại trường, chị Phạm Thị Nga đánh giá cao ý tưởng này và cảm thấy yên tâm khi con khen cơm ở lớp cô nấu ngon hơn ở nhà.
Con học mầm non 5 tuổi tại TP Nam Định (tỉnh Nam Định), chị Nguyễn Thị Thu cho rằng, động thái của TP Thủ Đức giúp các trường tăng thêm trách nhiệm trong khâu giám sát an toàn thực phẩm. Khi có thời gian rảnh vào buổi sáng, chị đều tới trường giám sát khâu giao nhận thực phẩm. Ngay cả khâu sơ chế, chế biến của đội ngũ nhân viên nhà bếp cũng được chị giám sát trực tiếp để đảm bảo không bị sai sót dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhân tố con người là chính
Làm nhân viên văn phòng nên không có thời gian đến trường giám sát khâu giao nhận thực phẩm mỗi sáng, chị Lê Thị Liễu (trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho hay, cô giáo gửi hình ảnh suất ăn của con về cho phụ huynh là cần thiết nhưng chưa đủ. Cái chính vẫn là trách nhiệm, lương tâm của nhà trường, đội ngũ nhà bếp khi tổ chức bán trú cho học sinh. Bởi, một bức ảnh đầy đủ món ngon nhưng chỉ làm trong một vài ngày đầu xong lại thôi thì không giải quyết được triệt để vấn đề. Nếu đơn vị nào làm sai thì phải xử lý đủ nặng để răn đe.
Không phủ nhận ý nghĩa cách làm trên tại TP Thủ Đức (TPHCM), cô Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Đường (Hải Hậu, tỉnh Nam Định) nhìn nhận, mỗi địa phương có cách khác nhau để đảm bảo sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường trong giám sát bữa ăn bán trú. Mục tiêu cuối cùng vẫn là cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, định lượng theo quy định và không để xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Theo cô Minh, trường có khu vực sơ chế thực phẩm riêng, bếp nấu theo quy trình một chiều. Quá trình tiếp nhận thực phẩm có sự phối hợp giữa đại diện ban quản lý nuôi ăn bán trú, người giao thực phẩm, nhân viên nuôi dưỡng và phụ huynh, đảm bảo đầy đủ số, chất lượng. Nhà trường thực hiện nghiêm quy trình chế biến, lưu mẫu thức ăn hằng ngày…
“Vào dịp có lễ lớn như Tết Trung thu hoặc Hội chợ Xuân, nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc lên thực đơn. Thức ăn của trẻ theo mùa, đảm bảo nóng ấm vào mùa lạnh. Khi đó, cô giáo có thể chụp ảnh suất ăn của trẻ để bố mẹ biết hôm nay con ăn những gì, có ngon không. Nhờ đó, cha mẹ trẻ ngày càng tin tưởng và đồng hành với nhà trường trong các hoạt động”, cô Minh trao đổi thêm.
Tương tự, Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) nhiều năm nay luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn bán trú cho trẻ nên phụ huynh tin tưởng, sĩ số ngày càng tăng. Việc giáo viên gửi hình ảnh suất ăn của trẻ lên phòng GD&ĐT như trong TP Thủ Đức là một trong các hình thức để tăng cường hiệu quả giám sát bữa ăn học đường. Tuy nhiên, theo cô Hiệu trưởng Bùi Thị Vân, mỗi trường cần chủ động trong việc nâng cao chất lượng bán trú.
Dưới góc nhìn của chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá, gửi ảnh suất ăn của học sinh cho phụ huynh hay phòng GD&ĐT ít nhiều mang tính tình thế. Hơn nữa, bản thân nơi tiếp nhận sẽ xử lý như thế nào hay chỉ lưu vào cho đủ bằng chứng và coi đó như hình thức chứng minh là phụ huynh có giám sát. Nếu muốn duy trì chất lượng bữa ăn học đường, cần sự chung tay từ nhiều phía chứ không riêng nhà trường.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho rằng, đây là kênh để so sánh với hình ảnh bữa ăn có thể bị chụp lại bởi mỗi góc chụp, thời gian chụp khác nhau. Thời gian tới, lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố sẽ kiểm tra đột xuất, mỗi tháng từ 2 - 3 lần xuống trường cùng ăn với học sinh để nắm tình hình cụ thể hơn. Mục tiêu chung là để các trường tăng cường thực hiện quy định về an toàn bán trú và vệ sinh thực phẩm.