GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Đời tôi cái gì cũng "dính" đến điện

GD&TĐ - Với chiều dài gần 1.500km, đường dây 500KV được thi công chỉ trong vòng hơn 2 năm với công nghệ và kỹ thuật chưa từng có ở Việt Nam. GS Trần Đình Long đã đóng góp công sức của mình vào thành công đó.

Đường dây 500KV Bắc Nam là mạch nguồn cho sự phát triển theo chiều dài đất nước trong những năm qua.
Đường dây 500KV Bắc Nam là mạch nguồn cho sự phát triển theo chiều dài đất nước trong những năm qua.

3 thành công lớn

GS.VS.TSKH Trần Đình Long năm nay đã 84 tuổi. Ông là Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam. Khi hỏi chuyện ông về đường dây 500KV, giọng ông vẫn sang sảng, nhớ từng chi tiết.

Ông bảo, cuộc đời mình, có 3 việc thấy hài lòng trọn vẹn. Thứ nhất là hơn 50 năm giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư điện, trong đó có những người sau này giữ đến chức bộ trưởng, thứ trưởng.

Hai là được tham gia vào chương trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ để hoàn thành sản phẩm cuối cùng là đường dây 500KV. Ba là được thục hiện biên soạn Luật Điện lực đầu tiên của Việt Nam, sau này trở thành khung pháp lý cho ngành điện. Trong đó, công trình đường dây 500KV để lại trong ông nhiều kỉ niệm.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1959, ông được chọn sang Nga học chuyển tiếp ngành điện để trở về giảng dạy tại trường. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau tại trường, ông tập trung nghiên cứu chuyên môn sâu và giảng dạy.

Từ năm 1995 - 1999 ông còn kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN). Đến năm 2008 thì ông nghỉ hưu. Ông hài hước cười bảo: “Cuộc đời tôi hình như cái gì cũng “dính” đến ngành điện. Ngay cả đến việc lấy vợ cũng là cô học trò ở Khoa Điện”.

Từ cuối năm 1989, các tổ máy số 2 và 3 của Thủy điện Hòa Bình tham gia vào hòa lưới điện quốc gia, nâng tổng công suất điện miền Bắc lên gần 2.000MW, thừa khả năng cung cấp điện cho miền Bắc. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam thiếu điện nghiêm trọng.

Ngành điện lực đã khảo sát thực tế, nghiên cứu và đề xuất hai phương án: Một là bán điện thừa của miền Bắc cho Trung Quốc, lấy tiền hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình điện ở miền Trung và miền Nam. Hai là xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng dư thừa từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam với cấp điện áp 500kV.

Trước tình hình thừa – thiếu điện đó, Trung ương quyết định làm đường dây truyền tải điện. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt quyết tâm đưa ra Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến và cho chủ trương tiến hành.

Thời điểm đó, vẫn có nhiều người lo lắng, băn khoăn, thậm chí chưa tán thành. Lý do đưa ra cũng rất chính đáng: Việc xây dựng đường dây truyền tải điện rất khó khăn, tốn kém, nguy hiểm, nếu không thành sẽ gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Một giáo sư Việt kiều Trường Đại học Grenoble – Pháp, viết thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nêu lên 3 lý do phản đối việc xây dựng đường dây 500KV: Đường dây có chiều dài gồm 1/4 bước sóng dẫn tới cuối đường dây, điện áp không ổn định, không vận hành được.

Đường dây triển khai trên một không gian quá dài, đa phần đi trên núi thì khó đảm bảo an toàn. Thời gian thi công dự kiến 2 năm là quá ít, không thể làm được.

Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào làm được với tốc độ “chóng mặt” như thế. Việc xây dựng đường dây 500KV là không khả thi và không nên làm. Lá thư của vị giáo sư Việt kiều ngay lập tức gây xôn xao dư luận.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long kể lại, ông đã thức trắng một đêm, xem tài liệu và tính toán. Việc xử lý chênh lệch 1/4 bước sóng bằng 5 trạm bù đã được tính đến. Để đảm bảo cho điện áp ổn định, cần thiết kế các trạm bù đặt dọc đường dây.

Mục đích của trạm bù là nơi điện áp lên cao sẽ kéo xuống, ngược lại nơi nào điện áp yếu sẽ bổ sung để luôn ổn định. Vững lòng, ông báo cáo lại Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: “Anh an tâm, tôi lo nhất là vấn đề an ninh chứ không phải an toàn.

Anh đảm bảo vấn đề an ninh, vấn đề kỹ thuật, tôi đảm bảo”. Khi đó, đồng chí Võ Văn Kiệt quyết định và nói: “Cứ làm, nếu thật bại thì không đợi cách chức, tôi sẽ chủ động từ chức”.

Vậy là về mặt khoa học, khó khăn đã được giải quyết. Tuy nhiên không phải tất cả đã “thuận buồm xuôi gió”, bởi đường dây siêu cao áp phải kéo dài trên nhiều ngọn núi cao của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.  Trong quá trình thực hiện, sẽ có những “cơn gió chướng” gây khó khăn, cản trở là điều đương nhiên. Làm thế nào để khắc phục những khó khăn ấy?

Hoàn thành công trình thế kỷ trong 2 năm

GS.VS.TSKH Trần Đình Long sinh năm 1938. Cố vấn kỹ thuật cho Bộ Năng lượng về xây dựng công trình đường dây 500KV Bắc – Nam mạch 1 (1991 – 1994); Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (1995 – 1998); Trưởng ban soạn thảo Luật Điện lực (2004); Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam từ (1990 đến nay). Một số phần thưởng cao quý nhất: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba; Nhà giáo Ưu tú.

Thiết kế đường dây 500KV, các kỹ sư cán bộ không có trong tay bất cứ một tài liệu tham khảo nào chi tiết, thậm chí chưa được tận mắt nhìn thấy hình thù của đường dây 500KV trên thực tế ra sao. Hàng nghìn cán bộ băng rừng lội suối, ngày đêm không ngủ để đưa công trình về đích trong 2 năm.

Muốn đẩy nhanh tiến độ, một trong những đầu việc quan trọng là phải gấp rút xây dựng phương án thiết kế. Trọng trách ấy được giao cho Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 chủ trì thiết kế phần sơ đồ điện cho công trình trên cơ sở phối hợp với các đơn vị khác.

Quy trình gồm khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật, khảo sát từng vị trí và lập bản vẽ thi công. Trong bản phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, Nhà nước đã ấn định thời hạn phải hoàn thành xây dựng công trình là 2 năm. Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 phải gấp rút chuẩn bị để kịp thời hạn khởi công.

Cùng với thiết kế thi công chi tiết phần móng và chế tạo cột, vấn đề còn lại là chọn hướng tuyến như thế nào? Đi theo đồng bằng hay đi dọc theo hướng núi?

Nếu đi theo đồng bằng thì phương án thi công sẽ dễ dàng hơn do địa hình bằng phẳng, kết cấu đất không khó trong đào móng, dựng cột. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian đối với những cung đoạn đi qua khu dân cư. Nguồn tài chính cho việc đền bù rất tốn kém. Chúng ta chọn đi đường núi.

Giải pháp kỹ thuật phần xây dựng được quan tâm nhất là hình dáng và kết cấu cột đường dây 500KV. Qua kinh nghiệm tính toán các cột đường dây 220KV, các khoảng vượt lớn, Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 đã đưa ra nhiều mô hình tính toán để lựa chọn giải pháp tối ưu.

Cột đường dây 500KV đã xây dựng về hình dáng không khác những đường dây 500KV trên thế giới, nhưng về kết cấu sản phẩm hoàn toàn do trí tuệ của kỹ sư Việt Nam lập ra.

Một sáng tạo lớn trong công trình này là đã đề xuất loại cột néo một thân cho một pha, vừa thuận lợi cho thi công, vừa thuận lợi cho việc lựa chọn các khoảng vượt tùy ý mà không phụ thuộc vào khoảng cách pha. Toàn tuyến có 3.474 cột với khối lượng khoảng 60.000 tấn.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long chia sẻ, trong các khâu thi công gồm đúc móng, dựng cột, kéo dây thì đúc móng là khó khăn nhất. Để có thể đào móng dựng cột ở những vị trí trên núi, việc đầu tiên là phải chặt cây rừng già để làm đường vận chuyển vật tư, thiết bị lên núi.

Với điều kiện cơ giới hóa còn hạn chế, việc chặt cây hoàn toàn phải bằng rìu, cưa tay… Rừng già lại chủ yếu là cây cổ thụ đường kính tới 1,5m, hạ được cây để mở đường là chuyện không đơn giản.

Khi đó, Ban Chỉ huy công trình phải huy động lực lượng dân quân, lao động địa phương, quân đội từ Quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn 15 tham gia chặt cây, làm đường. Sau đó làm các đường đồng mức để cho phương tiện, máy móc vận chuyển vật liệu lên các vị trí thi công.

Trong quá trình thi công có nhiều vị trí đúc móng trên đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Khâm Đức, đèo Lò Xo… máy móc không thể lên được, phải huy động nhân dân các địa phương. Bà con các dân tộc gùi từng bao xi măng, bao cát, thùng nước lên đỉnh núi cheo leo để phục vụ việc đúc móng.

Mỗi người chỉ gùi được 15kg cho mỗi chuyến. Góp gió thành bão, từng móng cột đã được dựng lên trên suốt chiều dài đất nước. Trong suốt 2 năm không kể ngày đêm, Chủ nhật, ngày lễ, mưa bão, giá rét, tất cả lực lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật chỉ huy dồn sức thực hiện công trình đúng tiến độ.

Công đoạn lắp cột cũng không kém phần căng thẳng. Ở nhiều nước trên thế giới khi đó sử dụng cột đúc sẵn, sau đó dùng máy bay để lắp ghép, kỹ sư, công nhân chỉ bắt đai ốc và bu lông. Ở Việt Nam, do điều kiện địa hình và phương tiện không sử dụng được công nghệ này mà phải sử dụng kỹ thuật lắp “trụ leo”.

Đây là phương pháp dùng trong những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở. Nghĩa là dùng dây tời bằng thép chắc chắn để lắp ráp từng đoạn cột. Phương pháp độc đáo này cùng với hình ảnh công nhân kỹ thuật leo lắp ráp cột đã khiến đoàn khảo sát của nước ngoài “ngả mũ thán phục”.

Chấm dứt tình trạng thiếu điện ở miền Nam

GS Trần Đình Long và vợ trong một chuyến du lịch lên đỉnh Fansipan.

GS Trần Đình Long và vợ trong một chuyến du lịch lên đỉnh Fansipan.

19 giờ 16 phút ngày 27/5/1994 theo lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hệ thống truyền tải điện 500KV đã được hòa thành công tại trạm biến áp 500KV Đà Nẵng, nối liền hai hệ thống điện Bắc – Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới, thống nhất hệ thống điện toàn quốc.

Đường dây 500KV Bắc – Nam đã phát huy ngay vai trò của mình trong hệ thống điện lực quốc gia. Điện năng cung cấp cho miền Nam và miền Trung tăng nhanh qua các năm sau khi hòa lưới điện. Năm 1994 là 988 triệu kWh; năm 1995 là 2.813 triệu kWh.

Riêng trạm biến áp 500KV Phú Lâm, năm 1995 đã nhận 2.005 triệu kWh, nhiều hơn điện năng phát trong cùng năm của hai nhà máy thủy điện là Trị An và Thác Mơ cộng lại. Qua 2 năm đầu đưa vào vận hành, đường dây 500KV đã đạt được các chỉ tiêu thiết kế, kể cả chỉ tiêu về tổn thất điện năng. Chấm dứt tình trạng thiếu điện ở miền Trung, đáp ứng 30% nhu cầu dùng điện ở miền Nam.

Trong vòng chưa đầy 3 năm, công trình đã cho thu hồi tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, trong khi dự kiến ban đầu là mất 5 - 10 năm. Nhờ có đường dây 500KV năng lực các nhà máy điện miền Bắc đã sớm được phát huy. So sánh lượng phát điện năm 1995 và 1993 cho thấy, các nhà máy nhiệt điện than tăng 2,62 lần, Thủy điện Hòa Bình tăng 1,35 lần.

Chỉ tính riêng phần chênh lệch giữa giá thành điện năng chuyển từ nhà máy thủy điện để cung cấp cho miền Trung và miền Nam so với giá điện năng phát ra từ các nguồn nhiệt điện chạy dầu và diezel vẫn được sử dụng trước khi có đường dây 500KV đã hơn con số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Có thể thấy, đây là công trình trọng điểm của đất nước mà khi bắt đầu còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, thắng lợi của công trình đã tạo nên sự gắn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, đồng thời mở đường cho những tư duy “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Sau hơn 25 năm vận hành, đây vẫn là một trong những công trình mang lại hiệu quả cao nhất trên tổng vốn đầu tư của ngành điện Việt Nam.

Điều mà GS.VS.TSKH Trần Đình Long tâm đắc nhất là sau tất cả những băn khoăn trước đó về tính khả thi của đường dây, giờ đây đã được giải đáp trọn vẹn. Cũng chính từ công trình này mà năng lực đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam được nâng lên một bước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ