Cuộc hội thảo này được thực hiện theo Quyết định số 229 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về biên soạn tiểu sử ông Võ Văn Kiệt.
Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. |
Hội thảo là sự tri ân của Đảng và dân tộc Việt Nam đối với ông Võ Văn Kiệt - người con trung hiếu của quê hương Vĩnh Long, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị lãnh đạo năng động, sáng tạo, có nhiều cống hiến xuất sắc cho đất nước. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, ông đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.
Hội thảo cũng là dịp tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến lớn lao của ông Võ Văn Kiệt với Đảng, với Cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.
Ông Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, thường gọi là Sáu Dân, Chín Hòa; sinh ngày 23/11/1922; là con út trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Bình Phụng, làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị, tỉnh Vĩnh Long; nay là ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Ông tham gia Cách mạng rất sớm, năm 1938, khi mới 16 tuổi đã tham gia vào phong trào Thanh niên phản đế. Từ đó, ông được tổ chức điều đi hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau và trở thành Thủ tướng Chính phủ trong những năm 1992-1997.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời, sự nghiệp và quá trình hoạt động của ông Võ Văn Kiệt rất phong phú, sinh động, thể hiện trên nhiều lĩnh vực và trải dài trên cả ba miền Bắc, Trung và Nam của đất nước.
Vì vậy, trong hội thảo này, các tham luận của các nhà khoa học, các ý kiến phát biểu tập trung làm rõ các nội dung liên quan đến ông Võ Văn Kiệt như ảnh hưởng truyền thống quê hương, gia đình tới sự hình thành tư tưởng cách mạng và nhân cách cộng sản; ông Võ Văn Kiệt - người cộng sản tiêu biểu cho tinh thần rèn luyện, học hỏi, năng động, sáng tạo; hoạt động, cống hiến của ông với Đảng, với Cách mạng Việt Nam; tình cảm của ông với Đảng bộ, nhân dân quê hương Vĩnh Long.
Các báo cáo tham luận, các ý kiến phát biểu của các đại biểu, đặc biệt là các đại biểu tỉnh Vĩnh Long đã làm rõ thêm về truyền thống quê hương, gia đình, thời thơ ấu và những hoạt động cách mạng đầu tiên của ông Võ Văn Kiệt tại xã Trung Hiệp huyện Vũng Liêm từ năm 1922-1940; những hoạt động từ năm 1940 đến Cách mạng Tháng Tám.
Đồng thời, nhiều tham luận tại hội thảo đã góp phần làm rõ các hoạt động Cách mạng của ông trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ xây dựng đất nước từ 1975 đến những năm sau đó.
Các báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu lịch sử của các địa phương nơi ông Võ Văn Kiệt đã từng có thời gian công tác đều khẳng định ông Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của lớp các chiến sĩ cách mạng hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng và độc lập dân tộc; thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nên đã dốc lòng, dốc sức hoàn thành nhiệm vụ dù ở cương vị nào.
Nếp sống của ông trong sáng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, ghét phô trương hình thức, sống chân thành, nghĩa tình, cần kiệm, giản dị, đồng cam cộng khổ với đồng bào của ông Võ Văn Kiệt đã hấp dẫn, thu phục lòng người.
Ông luôn gần gũi, gắn bó với mọi người, có trách nhiệm và tâm huyết với dân, với nước; được đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986, là một “Tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng của thời kỳ đổi mới đất nước.
Phương châm sống của ông là “chứng minh chứ không phải thanh minh,” “làm nhiều hơn nói nhiều,” mang đậm dấu ấn, phong cách Võ Văn Kiệt.
TTXVN