GS Nguyễn Bá Kim: Cây đại thụ chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán

GD&TĐ - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Kim đã rời cõi tạm, trở về với tổ tiên vào ngày hồi 11 giờ 10 phút 26 tháng 4 năm 2022.

GS. TSKH Nguyễn Bá Kim. Ảnh tư liệu.
GS. TSKH Nguyễn Bá Kim. Ảnh tư liệu.

Giáo sư được các thế hệ nghiên cứu giáo dục toán học Việt Nam ngưỡng mộ, như một trong những người đầu tiên, có công lao rất lớn để ra đời và phát triển chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán.

Tôi may mắn được là học trò của Giáo sư từ khi còn là sinh viên lớp Pháp ngữ của khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi được học Thầy từ những bài học đầu tiên trong chuyên ngành, từ năm thứ 3 đại học, rồi Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh. Thầy giảng bài cho tôi. Thầy chấm bài làm các kì thi, những bài giảng đầu tiên với tư cách là giảng viên khoa Toán. Thầy phản biện luận án,  giáo trình, sách chuyên khảo tôi viết.

Tôi biết rằng, chưa bao giờ thầy hài lòng với những kết quả của tôi. Đôi khi, nghe những nhận xét của Thầy, tranh luận với Thầy, tôi cũng thấy mình có chút ấm ức vì sự khắt khe của Thầy. Có giáo trình tôi sửa nhiều lần, vẫn chưa được tôi gửi nhà xuất bản vì tôi vẫn thấy chưa vượt qua được những gì được gọi là tiêu chuẩn của Thầy. Nhờ vậy, mỗi ngày tôi trưởng thành hơn, trở nên tốt hơn trong khoa học, trong các công việc của bản thân, tôi  biết tôi đã có may mắn thế nào!.

GS. TSKH Nguyễn Bá Kim (thứ 3 từ trái qua) trong lễ bảo vệ luận án của học trò. Ảnh tư liệu
GS. TSKH Nguyễn Bá Kim (thứ 3 từ trái qua) trong lễ bảo vệ luận án của học trò. Ảnh tư liệu

Tôi càng hiểu rằng, may mắn thật sự trở thành hạnh phúc của một người học trò, một đồng nghiệp ở thế hệ sau là được gặp những người Thầy uyên bác, những người Thầy không ngần ngại quan sát, chăm chút cho học trò thật kĩ lưỡng về học vấn, về tâm thế làm nghề.

Tôi cũng tin tưởng rằng, tất cả những ai làm chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán đều có cuốn sách của Thầy, những giáo trình cốt lõi của các sinh viên Sư phạm Toán, những người nghiên cứu Giáo dục Toán học. Chỉ xét riêng cuốn “Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán” do Thầy biên soạn, tôi đã xem lại biết bao lần trong 20 năm qua, vẫn phải đọc lại khi ngẫm về một lí thuyết dạy học nào đó.

Thầy có công lớn đưa quan điểm “dạy học bằng hoạt động và thông qua hoạt động” vào nhà trường Việt Nam. Từ đó  chúng ta càng nhận ra muốn lấy học sinh làm trung tâm thì giáo viên phải thiết kế bài dạy của mình thành các hoạt động thế nào để vừa sức, để hấp dẫn, để truyền tải được kiến thức, rèn luyện kĩ năng.

Trong các nghiên cứu của Thầy, Thầy luôn tập trung Nguyên lý giáo dục thực hiện trong môn Toán: Làm rõ mối liên hệ giữa Toán học và thực tiễn; Dạy cho học sinh kiến tạo tri thức, rèn luyện kĩ năng theo tinh thần sẵn sàng ứng dụng; Tăng cường vận dụng và thực hành toán học.

Tôi luôn nhớ đến 4 vai trò của giáo viên mà Thầy đã viết trong các tài liệu: Giáo viên là người thiết kế; là người ủy thác; là người điểu khiển; là người thể chế hóa việc học tập. Làm được như thế, người giáo viên mới thực dạy, dạy vì sự phát triển, xác lập vị trí chủ thể của người học, bảo đảm tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của hoạt động học tập. Nhờ ngấm lí thuyết trong bài dạy của Thầy, mà tôi từng bước làm được giáo dục hướng năng lực thông qua phân hóa, cá nhân hóa, và giờ đây là tự học và chương trình hóa với sự hỗ trợ của công nghệ số.

GS. TSKH Nguyễn Bá Kim (ngồi hàng thứ 2, thứ 7 từ phải sang) chụp ảnh cùng đại biểu dự Hội thảo quốc gia về Giáo dục toán học năm 2008. Ảnh tư liệu.
GS. TSKH Nguyễn Bá Kim (ngồi hàng thứ 2, thứ 7 từ phải sang) chụp ảnh cùng đại biểu dự Hội thảo quốc gia về Giáo dục toán học năm 2008. Ảnh tư liệu.

Tôi luôn biết ơn và khâm phục Thầy trong tìm tòi, khai phá hướng nghiên cứu, phát triển cho giáo dục toán học Việt Nam. Từ rất sớm, Thầy đã nghiên cứu và triển khai công nghệ thông tin trong dạy học Toán. Những năm đầu thế kỉ, khi tôi được tiếp xúc với các công trình nghiên cứu của Thầy và học trò, tôi đã không thể dừng lại niềm xúc động, bởi đối với tôi, những nghiên cứu đó thật cao, thật hiện đại.

Quãng đường hơn hai mươi năm được học Thầy, tôi càng hiểu “khoa học đi trước, dung dị, nhưng sẽ đi được vào thực tiễn nhờ sự chăm chỉ và không ngừng nghiên cứu vận dụng”. Thầy Nguyễn Bá Kim kính yêu là tấm gương sáng trong tự học, không ngừng vươn lên, không ngừng dấn thân cho khoa học.

Nay Thầy đi rất xa, tôi sẽ không còn cơ hội thỉnh thoảng đến thăm Thầy. Bên Thầy hiền từ, Thầy hỏi tôi về công việc của tôi, về hoạt động khoa học của chuyên ngành, về những đồng nghiệp và những người thân của tôi. Tôi sẽ không còn được soi mình vào Thầy, để thấy thành quả học tập, khoa học của tôi còn quá nhỏ bé, và nhất là, tôi cần rèn giũa bản thân để được làm khoa học giáo dục. Tôi vẫn luôn tưởng tượng được trong tâm trí mình, Thầy tận tụy với công việc, Thầy mỉm cười thân ái với những thành tựu nho nhỏ của học trò, …

GS. TS khoa học, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Kim

GS. TSKH Nguyễn Bá Kim sinh năm 1939 tại Hải Dương. Từ một giáo viên THCS ông đã không ngừng nỗ lực học hàm thụ Đại học sư phạm Toán, trở thành Giảng viên Khoa Toán Tin của trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1967.

Ông đã làm Phó Tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ) năm 1972 – 1975 rồi Tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ khoa học) năm 1981 – 1983 ở CHLB Đức chuyên ngành Giáo dục toán học. Ông là Chủ nhiệm khoa Toán Tin từ năm 1984 – 1994 và Giám đốc Dự án THCS – Bộ Giáo dục và Đào tạo.

GS. TSKH Nguyễn Bá Kim đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng Nhà giáo ưu tú, Huân chương lao động hạng 3, Huân chương kháng chiến hạng 3.

Tang lễ của Giáo sư Nguyễn Bá Kim:

Lễ tang được tổ chức ngày 29/4/2022 (tức ngày 29 tháng Ba, năm Nhâm Dần) tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

10h00 – 11h00: Lễ viếng

11h00 – 11h15: Lễ truy niệm

Lễ hỏa táng diễn ra tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.