GS, NGND Phan Hữu Dật qua đời ở tuổi 92

GD&TĐ - Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được tập thể các bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao, bệnh trọng GS.TS, NGND Phan Hữu Dật đã từ trần hồi 2h52 phút ngày 18/4/2019 (tức ngày 14/3 năm Kỷ Hợi), hưởng thọ 92 tuổi.

GS-TS, NGND Phan Hữu Dật.
GS-TS, NGND Phan Hữu Dật.

Lễ viếng GS.TS, NGND Phan Hữu Dật tổ chức từ hồi 7h15 đến 8h30, Lễ truy điệu từ 8h30 đến 9h00 ngày 21/4/2019 (tức ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Hợi ) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ điện táng tổ chức tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội lúc 13h00 cùng ngày.

GS.TS. NGND Phan Hữu Dật, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ngày 01/06/1928 (Mậu Thìn). Nguyên quán: Làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện  Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trú quán: số nhà 41A, tổ 26, đường Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội;

Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1970-1975), Trưởng ban phụ trách Viện Đại học Sài Gòn, Trưởng ban phụ trách Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn (1975-1977);

Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (1986-1988), Phó Hiệu trưởng (1977-1981), Quyền Hiệu trưởng (1981-1985) và Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1988), Ủy viên Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng ban chuyên ngành Dân tộc học Từ điển Bách khoa Việt Nam từ năm 1994 cho đến khi nghỉ hưu;

Nguyên Giáo sư Danh dự Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Liên Xô), Đại học Paris VII (Cộng hòa Pháp), nguyên Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam (1998-2003), nguyên Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Đại học Quốc gia Hà Nội khóa I.

GS-TS, NGND Phan Hữu Dật.
 GS-TS, NGND Phan Hữu Dật.

Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì (1957) và hạng Ba (1964), Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động hạng Ba (1985),  Huân chương Lao động hạng Nhất (1998), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005) cùng nhiều Huy chương và Kỷ niệm chương khác.

GS. NGND Phan Hữu Dật tốt nghiệp đại học chuyên ngành Dân tộc học, tại Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov , Liên bang Nga (MGU) năm 1961.

Ông nhận bằng Tiến sĩ Sử học tại Khoa Lịch sử (MGU) năm 1963 và được công nhận chức danh Giáo sư năm 1996, được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.

Hơn nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. NGND Phan Hữu dật là một trong những giáo sư đầu ngành về Nhân học. Những công trình nghiên cứu của ông tập trung vào những nội dung như: Các vấn đề lý luận về tộc người, về cộng đồng quốc gia dân tộc và lý thuyết Nhân học; Văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, Văn hóa và phát triển; Quá trình tộc người và mối quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới; Dân tộc học và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử hôn nhân và gia đình.

Với tư cách là một trong những nhà Dân tộc học đầu ngành, những vấn đề nghiên cứu của ông đã đặt nền tảng cho sự phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam.

Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên soạn giáo trình “Cơ sở Dân tộc học” (1973) phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã tiếp tục đề cập đến những yêu cầu nghiên cứu Dân tộc học theo hướng Nhân học trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu và nhận thức mới trước yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 90 tuổi của GS. Phan Hữu Dật, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Những đóng đóp to lớn về học thuật, về giảng dậy không chỉ cho Đại học Quốc gia Hà Nội mà còn cả ở tầm quốc gia.

Với cương vị là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS.NGND Phan Hữu Dật đã có những đóng góp lớn dẫn dắt sự phát triển của Nhà trường trong một giai đoạn quan trọng. Thầy luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến của các thế hệ học trò - đó là phần thưởng quý giá nhất đối với một nhà giáo.

Với những đóng góp đó, ĐHQGHN luôn xem những nhà giáo như Thầy là chỗ dựa quan trọng, là nguồn động viên cổ vũ và là tài sản quý của ĐHQG Hà Nội. Mãi mãi trong sự phát triển của Trường ĐHTH Hà Nội, của ngành Nhân học và của ĐHQGHN, Thầy luôn có một vị trí xứng đáng với tên tuổi và những đóng góp của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.