GS Hồ Ngọc Đại: Từ anh giáo làng đến ông chủ của CNGD

GS Hồ Ngọc Đại: Từ anh giáo làng đến ông chủ của CNGD

(GD&TĐ) - Đến thăm GS Hồ Ngọc Đại ngay sau khi Bộ GD&ĐT có quyết định cho phép cuốn Tiếng Việt 1 của ông được áp dụng đại trà, Hồ Ngọc Đại rất vui. Không vui sao được khi “đứa con tinh thần” của ông qua biết bao thăng trầm, giờ được thừa nhận. Ông khoe: Công nghệ giáo dục (CNGD) đã được áp dụng ở 20 tỉnh và con số này đang tăng lên.

Trên báo Tuyên Quang, ông Nguyễn Ngọc Hiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: “Năm học 2011 - 2012, Sở đã thực hiện thí điểm phương pháp dạy học này tại 8 trường tiểu học của huyện Chiêm Hóa. Đánh giá 1 năm triển khai qua kết quả học tập của học sinh đã thấy được những ưu điểm vượt trội của dạy học tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục.

Đó là học sinh lớp 1 kết thúc học kỳ 1, các em đã đọc được sách. Hơn nữa các em nắm rất vững chính tả, cấu trúc ngữ âm tiếng Việt và chữ viết. Từ những kết quả bước đầu của phương pháp dạy học tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục, năm học 2012 - 2013, Sở đã nhân rộng ở 35 trường với 96 lớp và 1.955 học sinh”.

GS Hồ Ngọc Đại kiểm tra, hướng dẫn học sinh trong giờ học Tiếng Việt (ảnh: Internet)
GS Hồ Ngọc Đại kiểm tra, hướng dẫn học sinh trong giờ học Tiếng Việt (ảnh: Internet)
 

Không chỉ riêng Tuyên Quang mà ở nhiều địa phương khác, Tiếng Việt 1- CNGD cũng được áp dụng rộng rãi và gặt hái được những kết quả tốt đẹp.

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Hồ Ngọc Đại sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ở Khoa Tâm lý, Trường ĐHTH Moskva mang tên Lomonosov. Khi ấy, viện sĩ A.R Luria, một trong những “cây đại thụ” của tâm lý học Xô Viết khuyên nghiên cứu sinh Việt Nam rằng chiến tranh rồi cũng kết thúc, một nên nghiên cứu tâm lý học y học để giúp bộ đội, thương bệnh binh vừa bước ra khỏi cuộc chiến trở về với cuộc sống đời thường; một nghiên cứu tâm lý học giáo dục góp phần chấn hưng đất nước. Hồ Ngọc Đại chọn giáo dục.

Và trường thực nghiệm số 91 ở Moskva là “cuốn sách tâm lý học” để Hồ Ngọc Đại say sưa nghiên cứu. Thành công đã đến với ông. Năm 1976, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1. Hướng nghiên cứu của Hồ Ngọc Đại được các nhà tâm lý học đánh giá cao, được coi là hướng đi mới đối với nền tâm lý học Xô Viết.

Giờ đây, nếu ai đến phòng truyền thống của Khoa Tâm lý học, ĐHTH Moskva sẽ thấy một bức ảnh của người Việt Nam nhỏ nhắn lọt giữa những “cây đại thụ” của nền tâm lý học Xô Viết - Đó chính là Hồ Ngọc Đại. Theo Viện sĩ V. Davydov, Hồ Ngọc Đại là con chim đầu đàn của thế hệ các nhà tâm lý học Xô Viết thứ 4.

Trở về nước với tấm bằng tiến sĩ, Hồ Ngọc Đại bỏ qua những cơ hội rộng mở chốn quan trường mà chỉ khao khát một điều: Đi dạy học sinh lớp 1. Trường Thực nghiệm Giảng Võ (Hà Nội) là nơi ông gửi gắm cả cuộc đời và học vấn của mình vào đó. Ở đó, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; trẻ em là nhân vật trung tâm, thầy giáo là nhân vật quyết định; trẻ em đang sống cuộc sống thực của chính mình… Nói về thành công của mình, Hồ Ngọc Đại cười: Thế hệ chúng tớ là thế hệ học thật!

Đúng ra, thời nào chả có người học thật. Điều quan trọng - trước khi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, Hồ Ngọc Đại đã là ông giáo trường làng có trên 10 năm dạy giỏi.

Trong khi không ít sinh viên học đến năm cuối đại học mà vẫn chưa xác định được đâu là hướng đi của mình trong tương lai thì ông đã đau đáu một nỗi niềm: Phải làm tất cả để chấn hưng nền giáo dục nước nhà!

Muốn như vậy phải bắt đầu từ lớp 1.

TS Trịnh Duy Hiền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.