(GD&TĐ) - Sau 35 năm ấp ủ, cho đến nay bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục (CGD) được đưa vào triển khai tại 37 tỉnh, thành phố. Bộ sách này đã mang lại những hiệu quả tốt đối với HS lớp 1. Trong quá trình đưa bộ sách vào thực tiễn, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nhận được hậu thuẫn lớn từ phía Bộ GD&ĐT và đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Giáo sư đã chia sẻ quá trình này với bạn đọc của Báo GD&TĐ.
Thưa giáo sư, bộ sách Tiếng Việt 1 CGD là sự tâm huyết của cuộc đời ông, xin ông giới thiệu ngắn gọn về bộ SGK này?
Bộ SGK này có 3 quyển, quyển 1 bao gồm toàn bộ bảng chữ cái tiếng Việt. Quyển 2 tất cả phần vần, quyển 3 luyện tập giúp cho HS tự đọc, ngoài ra còn có quyển tập viết. Bộ sách này ra đời trong một quá trình tương đối dài. Trước đó tôi vốn là GV dạy Toán, nghiên cứu về Toán. Nhưng sau khi tôi sang Nga làm luận án tiến sĩ về toán với gợi ý của một người thầy tôi đã chuyển sang nghiên cứu môn Tiếng Việt nhưng trước hết mới chỉ ở mặt lý thuyết.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
May mắn cho tôi khi về nước tôi bắt gặp một bộ sách tổng kết 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt. Và năm 1977, bộ sách ấy được chọn làm giáo trình cho sinh viên năm thứ 3 khoa Ngôn ngữ Trường ĐH Tổng hợp. Vì vậy năm 1978 tôi đưa vào dạy tuy nhiên cũng có nhiều bỡ ngỡ. Cho đến nay sau 35 năm bộ sách đã được bổ sung hoàn chỉnh về cả học thuật và thực tiễn và nghiệp vụ sư phạm và chúng tôi thực sự yên tâm khi đưa vào giảng dạy cho HS.
Mong muốn của tôi là đưa đến cho thế hệ trẻ một thành tựu khoa học hiện đại có sự kết hợp về mặt ngữ âm học Tiếng Việt hoàn thiện và quan trọng nhất là nghiệp vụ sư phạm hoàn toàn mới. Với nghiệp vụ sư phạm này, HS tự học khác với việc trước đây chủ yếu là thầy giảng.
Nghiệp vụ này thừa hưởng thành tựu nghiên cứu về tâm lý học của thế giới và những năm cuối cùng tôi là tác giả tham gia vào quá trình ấy. Tôi cũng tiếp thu thành tựu nghiên cứu về tâm lý học Xô Viết những năm 60 của thế kỷ trước và những năm 80 tôi là người trong cuộc nghiên cứu về vấn đề đó.
Bộ sách này đã được xử lý về mặt khoa học, triết học, tâm lý học và nghiệp vụ sư phạm, vì vậy tôi coi đây là một bộ sách xứng đáng nhất với cá nhân tôi. Đây là việc làm có ích nhất trong cuộc đời tôi, tôi tự hào vì đã đưa đến cho thế hệ trẻ Việt Nam một thành tựu khoa học tiên tiến.
Là một nhà khoa học tâm lý, ông đã vận dụng tâm lý học như thế nào vào quá trình giảng dạy và biên soạn môn Tiếng Việt?
Cuối thế kỷ 19 tâm lý học đã phát hiện ra vấn đề đọc to và đọc trong óc là một. Giữa vấn đề đọc to và đọc trong óc phải thông qua một quá trình đọc nhỏ. Mục đích của quá trình sư phạm hiện đại là cần kiểm soát được quá trình học của HS. Vì vậy khi đưa vào thực nghiệm tôi đã áp dụng cách đọc to, đọc nhỏ, mấp máy môi và ngậm miệng tự đọc trong đầu. Nên khi quan sát lớp học sẽ thấy có lúc HS đọc theo các cấp độ khác nhau: Đọc to, đọc khẽ, mấp máy môi, đọc trong đầu. Nghiệp vụ sư phạm ở đây là phải kiểm tra được việc học của các em. Nên trong quá trình dạy để kiểm tra việc học, GV sẽ yêu cầu HS đọc to từ cuối cùng, điều này buộc tất cả HS phải làm việc.
Theo ông việc vận dụng kiến thức tâm lý học trong quá trình đổi mới trong chương trình giáo dục thời gian tới cần chú trọng điều gì?
Vấn đề đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện là phải đổi mới tận gốc nội dung cấu tạo chương trình, phương pháp giảng dạy, quan hệ thầy trò và đặc biệt cần đổi mới tận gốc vai trò của HS trong nhà trường. Khi đến trường HS phải tự làm việc, giáo viên chỉ làm mẫu, điều chỉnh và đánh giá kết quả của HS. Khi HS tự làm sẽ tạo ra sản phẩm riêng và vì vậy mang đến sự hứng thú cho mình. Bên cạnh đó để kiểm soát HS nên trong tiết học thường kèm theo cả hành động. Nếu học theo cách này, bố mẹ không cần phải chuẩn bị trước, không cần dạy thêm cho con, HS chỉ cần học ở trường là đủ, trẻ sẽ có nhiều thời gian vui chơi. Sau một năm học chương trình này trẻ đều đọc thông viết thạo, nắm vững luật chính tả và không thể tái mù.
Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn, vốn là người cha gần gũi trong gia đình, đồng thời cũng là một người thầy, có biết và có ủng hộ cách làm của giáo sư không?
Nói chung ông đã ủng hộ và nói rằng việc này đúng song cũng sẽ rất khó khăn nhưng cũng sẽ thành công.
Giáo sư có thể chia sẻ về quá trình đưa bộ sách vào thực tế dạy học ở Việt Nam. Khi đưa vào thực tiễn ông có nhận được sự tiếp sức nào không?
Những năm đầu tiên, bộ sách này phải viết tay dần dần được in thành quyển. Năm 1986, bộ sách này đã được áp dụng đại trà và đã có lúc có tới 43 tỉnh thành học theo bộ sách này. Song sau một thời gian khi quyết định cả nước học theo một bộ sách thì bộ sách này không được sử dụng. Trong thời gian hoàn thiện, tôi đã lên Lào Cai và thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo của tỉnh cũng như Sở GD&ĐT đồng ý cho dạy thí điểm đối với HS dân tộc. Khi có kết quả khả quan tôi đã báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành để đề nghị cho nhân rộng bộ sách này và đã được chấp nhận. Sau đó có 6 tỉnh theo và cho đến năm nay đã có 37 tỉnh áp dụng.
Để bộ sách được triển khai mở rộng tại các địa phương, tôi đã nhận được sự trợ giúp rất nhiều từ Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành. Đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng hết sức ủng hộ. Song Bộ trưởng cũng rất thận trọng khi tìm hiểu để đi đến quyết định cho nhân rộng việc triển khai bộ sách tại các tỉnh thành. Chính Bộ trưởng đã đích thân vào tận các trường có HS dân tộc để kiểm tra thực tế việc dạy học Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục. Sau khi tự mình đi kiểm tra tại 5 trường học sinh dân tộc, Bộ trưởng đã thấy hiệu quả về cách dạy học này nên đã mời luật sư tư vấn về luật và quyết định cho các địa phương triển khai đại trà trên tinh thần tự nguyện.
Trong quá trình đưa vào dạy ở các tỉnh thuận lợi thì kết quả cũng hết sức khả quan. Tại Trường Tiểu học Bình Minh (tỉnh Hải Dương) khi học theo bộ sách này, trong số 257 HS lớp 1 thì chỉ có 1 em trung bình, 20 HS khá, còn lại trên 200 HS đạt loại giỏi. Còn một trường ở tỉnh Nam Định thì 100% HS đạt loại giỏi. Như vậy bộ sách này đã tạo ra một giải pháp tốt cho việc dạy học Tiếng Việt ở lớp 1.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy lợi ích của dân tộc nên đã ủng hộ rất nhiệt tình trong quá trình triển khai nhân rộng tại các địa phương. Khi nhận được sự ủng hộ của Bộ GD&ĐT thì bộ sách Tiếng Việt đã được đưa vào dạy trong các nhà trường một cách thuận lợi. Việc áp dụng dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đã giúp cho HS lớp 1 tiếp thu kiến thức một cách thuận lợi và có nhiều thời gian để trẻ em vui chơi. Cách dạy này tạo cơ hội cho việc đổi mới toàn diện giáo dục cả về nội dung và phương pháp.
Châu Anh (ghi)