+ Thưa GS, mới đây, rất nhiều DN vừa qua tại Khánh Hòa đã phàn nàn về việc cả một năm qua, chính quyền tỉnh đã quản lý cứng nhắc làm cho hoạt động đầu tư du lịch của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Ông có góc nhìn ra sao về vấn đề này?
- GS Đặng Hùng Võ: Trước tiên, phải nói rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa hiện nay được đánh giá là rất tiềm năng. Nói riêng về lĩnh vực du lịch, người ta thường nhắc tới Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Kiên Giang... rồi sau đó mới nói tới Quảng Ninh.
Nhưng vì có câu chuyện như vậy nên chính quyền tỉnh đã không làm cho tiềm năng hấp dẫn đó đi vào cuộc sống.
Sự thực là thời gian qua, nhìn nhận tương quan trên cả nước, tôi thấy việc quản lý đầu tư cho bất động sản du lịch của Khánh Hòa là nơi được coi là yếu nhất và cũng là một nơi các nhà đầu tư có ý kiến nhiều nhất.
+ Thưa GS, cụ thể gần đây, chính quyền tỉnh ban hành công văn 12143 ngày 27/11 yêu cầu Sở KHĐT chủ trì, phải kiểm tra tất cả các dự án đầu tư du lịch, nếu có thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn, thay đổi cổ đông... mà thuộc diện dự án chậm tiến độ thì phải lấy ý kiến các ngành liên quan, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến. Trong khi trước đó nhiều hồ sơ dự án trình lên không được duyệt, bị trả về và cả năm, tỉnh gần như không ký văn bản nào để thúc đẩy các dự án. Cá nhân ông đánh giá ra sao về cách quản lý như vậy?
- GS Đặng Hùng Võ: Trước hết, nhìn nhận khách quan, nếu ta đặt vấn đề, tỉnh Khánh Hòa có làm đúng luật Đầu tư hiện hành không thì phải nói rằng, họ thực hiện đúng pháp luật.
Thế nhưng, mặt khác, ai cũng biết rằng, quy định của pháp luật đó hiện nay đang không phù hợp với đời sống kinh doanh. Nó cần được tháo gỡ. Vấn đề đó được đặt ra từ khoảng 2 năm nay rồi. Pháp luật hiện nay đang không phù hợp cuộc sống thì phải làm như thế nào?
Theo tôi, ta cần chỉnh sửa pháp luật như thế nào để tạo điều kiện thu hút được đầu tư trong du lịch.
Thế nhưng, câu chuyện vướng mắc trên cũng nảy sinh ở nhiều tỉnh. Tôi thấy rằng, các tỉnh khác, họ đều có cách xử lý khác, đều có lời giải nhưng Khánh Hòa lại không có lời giải.
Tôi nói vậy để thấy rằng, chính quyền đừng làm trái pháp luật nhưng hãy tìm những cách khác, chấp nhận có thể phức tạp hơn nhưng đẩy mạnh được đầu tư vào khu vực du lịch như các nhà đầu tư đang rất mong muốn.
Rõ ràng, ở câu chuyện này, sự sự sáng tạo trong thực thi pháp luật của Khánh Hòa rất yếu. Từ đó, một cách quản lý như vậy thì sẽ làm hỏng môi trường đầu tư đi, làm cho khả năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng của Khánh Hòa kém đi so với các tỉnh khác.
+ Thưa ông, ngay tại hội nghị đối thoại giữa chính quyền tỉnh và doanh nghiệp mới đây, đã có nhà đầu tư giãi bày, 100% các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh đều chậm tiến độ. Chính vì dự án thiếu vốn nên nhà đầu tư mới mua lại, cơ cấu dự án, chỉ mong được nộp phạt để tiếp tục triển khai dự án nhưng tỉnh lại không xem xét. Ông nói sao về nguyện vọng này của doanh nghiệp?
- GS Đặng Hùng Võ: Đấy chính là việc thực thi pháp luật. Các cụ ta có nói: Trong cái lý có một tí cái tình. Cái tình không phải là buông lỏng quản lý mà trong thực thi, chính quyền tỉnh cần phải nhìn và hiểu nhiều mặt khác nữa của thực tiễn, chứ không phải chỉ nhìn riêng về điều luật.
Rõ ràng, vì có các dự án chậm tiến độ nên mới nảy sinh nhà đầu tư mới mua lại để tái cơ cấu. Riêng cái này, chúng ta phải ủng hộ doanh nghiệp. Nhà đầu tư mới vừa vào làm thì ta phải để cho người ta làm đi đã. Không thể xử lý dự án như thế được.
Dù pháp luật không ghi rõ cơ chế như vậy, nhưng người quản lý phải tính đến chuyện, ví dụ, dự án treo đó đã chuyển nhượng rồi thì chúng ta phải hiểu, lúc này dự án treo tiếp hay không treo là phụ thuộc vào nhà đầu tư mới.
Thực tế, ta hoàn toàn có thể thấy, một dự án treo thì là treo từ bao giờ và khi đó, chủ dự án là ai? Giờ, chủ dự án thay đổi rồi, nhà đầu tư mới đã tiếp nhận dự án rồi thì phải xem rằng, chủ mới đó chưa có lỗi. Vậy phải xem, chúng ta có nên hay không nên dừng dự án đó? Chắc chắn lúc này, người quản lý thực thi pháp luật cần xem xét khác đi chứ không phải vô cảm, lạnh lùng rằng, cứ dự án bị treo từng ấy ngày tháng là phải xử lý chẳng hạn.
"Sau thời gian giao thầu BT vô tội vạ, giờ chính quyền tỉnh quay sang dừng hết chuyện tăng cổ đông, chuyển đổi chủ đầu tư mà lại dự án vốn ngoài quốc doanh, đó là việc rất vô lý. Những dự án này không phải là vốn Nhà nước cấp mà là vốn DN tự bỏ 100% hoặc vay ngân hàng đầu tư. Thiếu vốn đầu tư, họ cần tăng cổ đông, tăng vốn để hoàn thành dự án, dự án được triển khai thì có lời cho địa phương. Giờ tỉnh cấm hết, cuối cùng các dự án đông cứng hết cả". (Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch Tỉnh Khánh Hòa)
Việc tỉnh yêu cầu Sở KHĐT phải rà soát, lấy ý kiến các ngành liên quan rồi báo cáo UBND tỉnh về những việc thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi cổ đông, thành viên góp vốn kinh doanh... là động thái chỉ đạo điều hành nội bộ của tỉnh. Tuy nhiên, lưu ý rằng, Luật Doanh nghiệp chỉ cho phsp thời hạn hoàn thành thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh là 3 ngày. Nếu vì việc quản lý mà kéo dài quá thời hạn này của doanh nghiệp thì tỉnh phải chịu trách nhiệm". Ông Phan Chí Hiếu (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương)