Đó là: Xây dựng các chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh THPT và việc rèn năng lực ngôn ngữ, giao tiếp cho người học thông qua 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.
Tạo cơ hội cho học sinh phát triển sáng tạo
Việc xây dựng các chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh THPT, theo TS Ngô Thị Thanh Quý, có mục đích nhằm tăng cường sự tích hợp, phân hóa kiến thức ở người học; dạy cho người học biết vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách tổng hợp để giải quyết những vấn đề trong học tập và cuộc sống;
Phát triển năng lực tự học, năng lực giải quyết các vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản lý, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là năng lực ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống.
Nội dung các hoạt động giáo dục cần hướng đến mục đích gắn học sinh với đời sống xã hội, tăng cường những hiểu biết chung về cộng đồng và những vấn đề thời sự của địa phương, đất nước, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, phát huy các tiềm năng của cá nhân một cách thực tế.
TS Ngô Thị Thanh Quý cho rằng, với nội dung này, chương trình thiết kế yêu cầu tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu ở người học.
Người học tăng cường khả năng nghiên cứu bài học bằng nhiều cách có thể sáng tạo viết tiểu phẩm, truyện cổ tích, truyện cười, diễn xướng, chuyển thể tác phẩm thành kịch bản sân khấu... Tăng cường tích hợp liên môn: Văn - Sử - Địa, Văn học - Văn hóa - Nghệ thuật ...
Nên xây dựng các chuyên đề tự chọn, có nhiều yếu tố gắn với văn học, văn hóa, địa lý, lịch sử địa phương.
Ví dụ, tích hợp Văn - Sử qua các chuyên đề: Chống quân xâm lược phương Bắc qua Phú sông Bạch Đằng và Bình Ngô đại cáo; Ngôn ngữ dân tộc và tình yêu Tổ quốc; Văn học cách mạng và vấn đề chủ quyền lãnh thổ; Văn học dân gian và văn hoá dân tộc; Ngôn ngữ cử chỉ và việc bày tỏ ý kiến; Ta là sản phẩm của chính mình; Nhìn ra văn học thế giới qua các tác phẩm văn học nước ngoài;...
Về phương pháp tổ chức dạy và học, theo TS Ngô Thị Thanh Quý, chúng ta nên thiết kế chương trình theo chủ đề.
Theo đó, cho cá nhân học sinh, hoặc nhóm học sinh đăng ký các dự án học tập trải nghiệm sáng tạo theo nội dung tri thức được giới thiệu trong chương trình.
Giáo viên có thể gợi ý cho học sinh cách thực hiện: Tên dự án; mô tả việc thực hiện dự án (tìm thông tin, xây dựng kịch bản, xử lý các tình huống), hoàn thành dự án; dự kiến thời gian, địa điểm, kinh phí thực hiện; sản phẩm của dự án (có thể: một bài thuyết trình về chủ đề, mở một trang website để giới thiệu, làm một video, chuyển thể một kịch bản, công bố một vai diễn,...); đăng ký thời gian công bố sản phẩm; những đề nghị với giáo viên nếu có...
Vấn đề then chốt của chuyên đề tự chọn là chuyển cách tiếp cận giáo dục từ nội dung (dạy kiến thức các môn học như hiện nay) sang cách tiếp cận năng lực (năng lực hành động và thích ứng, giao tiếp và ứng xử, năng lực tự học và tự khẳng định).
Rèn năng lực ngôn ngữ qua 4 kỹ năng
Với kỹ năng nghe, TS Ngô Thị Thanh Quý cho rằng, chương trình SGK mới phải giúp người học hiểu mục đích nghe, điều đó khiến các em trở nên chăm chú hơn. Trước mỗi bài học, SGK cần giới thiệu khái quát về bài học.
Ví dụ: Bài học gồm mấy phần, có những nội dung nào, kiến thức trọng tâm, mục đích, yêu cầu của bài học là gì... để cuối giờ các em có sự liên kết lại các vấn đề và chú tâm hơn khi nghe giảng.
Cả bốn kỹ năng đều cần theo định hướng tích hợp và phân hoá ở từng lớp, với từng chủ đề.
Qua văn bản văn học học sinh phải thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, loại bỏ cách nói lóng, cách diễn đạt với những ký tự tuổi teen thời công nghệ số mà báo chí nêu lên gần đây.
Cuối mỗi bài học cần có sự tóm tắt lại những nội dung đã học trong bài để học sinh có cái nhìn tổng quát.
Xuất phát từ kỹ năng nghe mà sau này có được sự lắng nghe trong cuộc sống, lắng nghe và thấu hiểu là phạm trù sâu sắc hơn trong kỹ năng sống của mỗi con người.
Với kỹ năng nói, chương trình SGK cần được xây dựng để đáp ứng cả hai yêu cầu: Kĩ năng nghe và nói, diễn đạt ý tưởng của mình bằng những câu rõ ràng, mạch lạc trong giao tiếp đó là điều cần thiết.
Chương trình và SGK rất cần chú trọng việc thực hành ngôn ngữ tiếng Việt chuẩn, phát huy năng lực người học, giúp học sinh chia sẻ và trao đổi những thông tin, ý tưởng với thầy cô, bạn bè, thể hiện ra bằng câu nói hoàn chỉnh và mạch lạc, diễn đạt chuẩn xác các ý để người nghe hiểu đúng suy nghĩ của mình.
Chương trình và SGK cũng cần tăng cường các bài tập luyện tập cho học sinh như:
Kể một câu chuyện đã trải qua, đã nghe kể hoặc đã đọc, kể lại một sự kiện quan trọng trong đời sống hoặc một kinh nghiệm, sở thích cá nhân bằng những đoạn trình bày ngắn gọn và có chủ đề rõ ràng, có mở và kết thúc hợp lí, mô tả hoặc trình bày lại công việc đã làm của bản thân trước nhóm (các bước, thứ tự thực hiện, kĩ thuật thực hiện, kết quả.); trình bày kết quả thảo luận của nhóm trước lớp.
Bên cạnh những phối hợp hoạt động nhóm thì kịch bản chương trình trong SGK cũng cần chú trọng đến tài năng cá nhân, luyện cho HS biết cách đề xuất ý riêng của cá nhân khi thảo luận nhóm, khi tranh luận một vấn đề trong nhóm trước tập thể lớp hoặc trình bày thậm chí là phản biện ý kiến riêng với giáo viên.
Kỹ năng đọc, theo TS Ngô Thị Thanh Quý, SGK được thiết kế với nhiều kiểu dạng văn bản khác nhau (văn bản văn chương nghệ thuật, các văn bản khoa học, văn bản hành chính công vụ,.), điều đó sẽ giúp vốn kiến thức ngôn ngữ, văn học, khoa học, nghệ thuật của học sinh cũng sẽ dần được tăng lên.
Điều này có tác dụng tích cực cho việc rèn luyện tư duy, kĩ năng diễn đạt gọn gàng, trong sáng ở người học.
Đọc và hiểu văn bản là kỹ năng cần thiết đầu tiên đối với người học. Để đạt chất lượng cao thì việc đọc phải được học sinh thực hiện một cách có ý thức.
Từ năng lực đọc, người học mới có được năng lực thẩm văn và bình văn. Hướng dẫn học sinh đọc và hiểu văn bản là giúp các em rèn những kỹ năng nhận biết nội dung ý nghĩa của các văn bản khác sau này trong thực tế cuộc sống.
Kĩ năng viết là khả năng diễn đạt bằng văn bản. Kỹ năng đầu tiên là phải biết lắng nghe, sau đó hiểu và ghi nhớ các thông tin, từ đó có thể phát biểu thành lời và cuối cùng diễn đạt được ra thành văn bản.
Làm thế nào để giúp học sinh viết có hiệu quả? TS Ngô Thị Thanh Quý cho rằng, SGK cần thiết kế những gợi ý để các em có thể tự học và luyện viết bằng các chủ đề như: Những điều tôi muốn viết và cách viết của tôi.
Các em có thể viết về bất cứ nội dung nào mà các em hiểu biết và có kinh nghiệm, có quan điểm về vấn đề đó.
Cho sẵn vốn từ vựng để các em có thể sử dụng diễn đạt, cho các luận điểm để các em triển khai luận cứ, luận chứng; dành thời gian cho học sinh viết độc lập và hoàn thành bài viết, công bố sản phẩm tinh thần trước tập thể nhóm.
Đồng thời, khích lệ học sinh đưa ra câu hỏi để nhóm cùng thảo luận, giúp các em tự tìm ra lỗi, tự sửa lỗi câu, diễn đạt cho mình.
Tăng giáo dục ngoài giờ lên lớp
TS Ngô Thị Thanh Quý nhấn mạnh, dạy đọc hiểu tác phẩm văn chương cần chú trọng hình thành cho học sinh cách đọc có phương pháp, phát huy năng lực cảm thụ thẩm mĩ trực tiếp, khơi gợi tưởng tượng tái hiện và tưởng tượng sáng tạo, liên tưởng hình tượng và liên tưởng ý niệm, bồi dưỡng năng lực cảm thụ tinh tế, nhanh nhạy, phát triển năng lực tư duy, cắt nghĩa, khái quát, tránh suy diễn máy móc tuỳ tiện.
Dạy đọc hiểu tác phẩm văn chương cần tích hợp tri thức, kĩ năng tiếng Việt và Làm văn. Chú trọng rèn luyện cho học sinh cách diễn đạt giản dị, trong sáng, chính xác, lập luận chặt chẽ, có suy nghĩ độc lập, bộc lộ thái độ riêng trước những vấn đề về văn học và đời sống.
Cả bốn kỹ năng này cần được thực hành qua các chủ đề học tập như: Những điều tôi đã nghe và cách nghe của tôi, những điều tôi muốn nói và cách nói của tôi, những điều tôi đã đọc và cách đọc của tôi, những điều tôi viết và cách viết của tôi.
Cũng theo TS Ngô Thị Thanh Quý, thiết kế chương trình và SGK Ngữ văn sau năm 2015 cần nhấn mạnh đến yếu tố tăng giáo dục ngoài giờ; tích hợp và phân hoá trong nội dung môn học.
Bên cạnh nội dung bắt buộc, xây dựng nội dung tự chọn, tri thức mang tính toàn quốc gắn với tri thức địa phương, giảm lý thuyết, tăng thực hành vận dụng, giảm tri thức hàn lâm, tăng tri thức đời thường gần gũi để người học có thể ứng dụng tốt trong đời sống.
“Văn chương là con người, là cuộc sống, nhà văn là sáng tạo. Việc xây dựng chương trình để dạy và học văn một cách thiết thực, phát huy được năng lực của người học cần lắm sự đổi mới, để môn văn thực sự hấp dẫn, có ý nghĩa với các thế hệ học trò.
Việc phát triển chương trình trong đó có bộ môn Ngữ văn là một trong những khâu quan trọng để công cuộc đổi mới căn bản toàn diện trong giáo dục đào tạo của Việt Nam thành công” -TS Ngô Thị Thanh Quý khẳng định.