Hôm nay (6/6), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách thay thế nghị định 116/2016/ND-CP và thông tư 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo. Cùng tham gia có đại diện Bộ Tài chính, Uỷ ban dân tộc cùng các cục, vụ của Bộ giáo dục và Đào tạo và 55 điểm cầu các sở GD&ĐT, các trường dự bị đại học, phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng chính sách cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đặc biệt, học sinh bán trú, học sinh dân tộc nội trú đa số ở những vùng đặc biệt khó khăn, các em ở xa trường không thể đến trường và trở về trong ngày cần phải có sự hỗ trợ về chế độ sinh hoạt, ăn ở để đảm bảo các điều kiện học tập.
Trong hội thảo này, các thành viên trong ban soạn thảo mong muốn được lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham dự tại các điểm cầu, đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp, qua đó tiếp thu và chỉnh sửa sao cho hoàn chỉnh.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề:
Thứ nhất, xem xét bố cục dự thảo nghị định.
Thứ 2: Tên của nghị định, phạm vi điều chỉnh của nghị định dự thảo này.
Thứ 3: Đề nghị các thầy cô, đại biểu tham dự xem xét về đối tượng áp dụng. Bên cạnh các đối tượng như trong Dự thảo, Nghị định, tại hội thảo có cần góp ý, xem xét thêm đối tượng đưa vào.
Thứ 4: Đề nghị xem xét các điều kiện hưởng và mức hưởng cũng như các nguyên tắc như dự thảo được nêu và trình bày có phù hợp hay không.
Thứ 5: Các vị đại biểu xem xét quy định hỗ trợ gạo cho học sinh nội trú đưa vào dự thảo như vậy có phù hợp hay không; Thời gian cấp gạo và bảo quản gạo trong thực tiễn, các trình tự xét duyệt có phù hợp hay không và đã đầy đủ hay chưa.
Thứ 6: Việc phân bổ, lập dự toán, quản lý kinh phí, nguồn kinh phí nêu trong Dự thảo nghị định này có phù hợp với quy định hiện hành không.
Cũng tại hội nghị này, đại biểu đại diện cho Bộ Tài chính, Ửy ban dân tộc, các sở GD&ĐT, đại diện các trường cũng đã đưa ra những góp ý để sửa đổi. Lắng nghe những góp ý của các đại biểu, đại diện Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa để hoàn thiện.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Dự thảo trình ra hôm nay cho thấy sự cố gắng rất lớn của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Đặc biệt, Thứ trưởng ghi nhận những ý kiến có đầy đủ góc nhìn của các thầy cô, cơ sở giáo dục, các bộ ban ngành.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu những vấn đề nào cần sửa sao cho dự thảo hoàn thiện hơn.