Góp ý Dự thảo “Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2016 – 2025”

GD&TĐ - Sáng nay (31/5) tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo “Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016 – 2025”.

Hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo “Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2016 – 2025”
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo “Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2016 – 2025”

Dự hội thảo và tham gia góp ý vào Đề án có các đại diện của Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng Dự thảo Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2016 - 2025” trình Chính phủ phê duyệt. Dự thảo Đề án đặt ra một số mục tiêu:

Từ nay đến năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 30%, trẻ mẫu giáo đạt 90% và đến giai đoạn 2021 – 2025 tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 35%, trẻ mẫu giáo đạt 95% vào năm 2025;

Trẻ mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập chiếm 70%, ngoài công lập chiếm 30%; duy trì và giữ vững tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 45% vào năm 2020, đến năm 2025 đạt 55%.

Cơ sở vật chất, trường lớp học được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa; tập trung xây mới cho các vùng khó khăn 4.493 phòng học, đảm bảo có đủ phòng học, số phòng học đạt tỷ lệ 01 phòng học/ lớp (nhóm); cả nước đạt tỷ lệ phòng học kiên cố là 80%.

Phấn đấu đến năm 2020 có 96% và đến năm 2025 có 98% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN; Phấn đấu Phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo vào năm 2025...

Các ý kiến tại hội thảo đều tập trung đề nghị Chính phủ khi Phê duyệt Đề án, có cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bậc học mầm non cho các tỉnh khó khăn;

Nên điều chỉnh thấp mục tiêu về cơ sở vật chất, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ nay đến cuối giai đoạn bởi một số địa phương khó khăn rất khó đạt mục tiêu đề ra theo bản dự thảo này;

Mức chi ngân sách cho lương và các hoạt động giáo dục trong trường mâm non đảm bảo tỷ trọng tối thiểu 80/20. Nên đưa tỷ lệ trẻ được tiếp cận Ngoại ngữ và Tin học vào Đề án cho phù hợp với xu thế phát triển giáo dục hiện nay.

Các ý kiến tại hội thảo cũng đóng góp về chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non, chế độ cho giáo viên, nhất là giáo viên ngoài công lập, vị trí việc làm trong các trường mầm non, chính sách cho các trường mầm non ngoài công lập...

Những ý kiến tại hội thảo này sẽ được Bộ GD&ĐT tổng hợp nhằm hoàn thiện Đề án để xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ