Nếu có thể sản xuất rộng rãi, thiết bị này sẽ là một công cụ theo dõi sức khỏe tiện lợi hơn cho hàng triệu bệnh nhân đái tháo đường.
Với công nghệ mới này, gần 400 triệu người mắc bệnh tiểu đường trên thế giới sẽ có thể đo chỉ số đường huyết qua nước mắt, đơn giản hơn nhiều so với biện pháp lấy máu xét nghiệm hiện nay.
Để làm được điều này, loại kính của Google sử dụng một thiết bị cảm biến glucose và một máy phát tín hiệu không dây. Sản phẩm mẫu công bố ngày 16/1 có hình dáng và kích thước y hệt như kính áp tròng thông thường.
Tuy nhiên, bên trong tròng kính chứa hàng chục nghìn thiết bị bán dẫn siêu nhỏ và một ăngten kích thước mảnh như sợi tóc.
Brian Otis, một thành viên chính của nhóm nghiên cứu, cho biết thiết bị đo glucose nhỏ nhất trên thế giới này là một công trình công nghệ tinh vi. Các chuyên gia và kỹ sư đã phải mất nhiều năm để gắn từng sợi dây mảnh như tóc vào thiết bị điện tử tí hon, ngoài ra còn phải tự tay làm ra từng con chíp siêu nhỏ.
Các chuyên gia của Google đã phát triển sản phẩm này trong suốt 18 tháng tại phòng thí nghiệm của tập đoàn. Nhưng nghiên cứu đối với phát minh này đã khởi động từ nhiều năm trước đó tại Đại học Washington. Toàn bộ quá trình được giữ trong vòng bí mật trước thời điểm công bố.
Tuy nhiên, Google cho biết sẽ cần ít nhất 5 năm nữa để sản phẩm này có thể hoàn thiện và đến tay người tiêu dùng. Hiện tập đoàn này đang tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm để phát triển và tiếp thị sản phẩm ra thị trường.
Nhân sự kiện này, Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh phát minh mới và hoạt động sáng tạo của các kỹ sư Google. Tuy nhiên, hiệp hội nhấn mạnh thiết bị mới phải bảo đảm độ chính xác và đáng tin cậy, do thông tin kiểm tra hàng ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.
Công bố của Google là bước tiến mới nhất trong lĩnh vực thiết bị theo dõi chỉ số đường huyết đang bùng nổ mạnh mẽ. Nhiều công ty đang đua nhau nghiên cứu và giới thiệu các thiết bị y tế giúp đơn giản hóa việc đo lượng đường trong máu. Dự báo, thị trường này sẽ vượt doanh số 16 tỷ USD vào cuối năm nay.
Bệnh đái tháo đường ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều nước. Hiện trên thế giới ước tính có khoảng 382 triệu bệnh nhân mắc căn bệnh xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để kiểm soát lượng glucose hoặc cơ thể không thể tiêu thụ hiệu quả lượng insulin này. Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, thận, đột quỵ và mù.