Tình hình chiến sự tại Ukraine đang khiến nhiều chính phủ gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài, dẫn đến dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng có thể gây chấn động các thị trường và làm suy yếu đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới như ngồi trên núi nợ kéo dài trong suốt thập niên qua do tình trạng lạm phát và lãi suất thấp. Đặc biệt là hai năm vừa qua, các nước này càng phải tăng vay nợ vì cần nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí chống dịch Covid-19, khiến khó khăn càng chồng chất.
Trong bối cảnh đó, khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi thì cuộc xung đột Nga – Ukraine lại nổ ra. Tiếp theo đó là hàng trăm lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này, khiến giá lương thực, năng lượng và các hàng hóa khác như phân bón và dầu mỏ toàn cầu tăng vọt.
Các nước trên khắp thế giới từ Pakistan, Ai Cập cho đến Argentina đều đang phải xoay xở với chi phí nhập khẩu cao và gồng gánh những khoản trả nợ giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn và xung đột tại Ukraine chưa hạ nhiệt.
Một trong những quốc gia vỡ nợ là Sri Lanka khi phải thông báo ngừng trả nợ nước ngoài từ ngày 12/4 vừa qua và đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ khẩn cấp. Cuộc chiến tại Ukraine và Covid-19 đã cùng giáng mạnh vào ngành du lịch Sri Lanka, khiến nước này mất nguồn thu cũng như khả năng thanh toán các khoản vay.
IMF mặc dù chưa cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu vào thời điểm hiện nay, nhưng các chuyên gia kinh tế nhận định những vụ vỡ nợ, những cuộc khủng hoảng ở tầm quốc gia có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong khi các nước giàu thường ít gặp khó khăn trong việc đối phó với các khoản nợ, thì các nền kinh tế đang phát triển phải chịu những áp lực lớn hơn, nhất là trong bối cảnh khó khăn kép hiện nay. Hai trong số những ví dụ điển hình về rủi ro nợ mà các nước đang phát triển phải đối mặt là Sri Lanka và Pakistan.
Cả hai quốc gia trên đều đang sa lầy vào các cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng, nhất là sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ.
Theo dữ liệu từ các ngân hàng trung ương, các nhà phân tích và Tổ chức IMF, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka và Pakistan đều đang giảm sâu đến mức chỉ còn đủ chi trả cho hàng hóa nhập khẩu thiết yếu thêm 1 - 2 tháng nữa.
Suy thoái kinh tế tại Sri Lanka là nguồn cơn của các cuộc biểu tình chống chính phủ khi người dân vật lộn với mức lạm phát kỷ lục, tình trạng mất điện kéo dài và thiếu hụt nghiêm trọng các hàng hóa cơ bản.
Trong khi đó, các khoản nợ công liên quan đến hạ tầng của Sri Lanka đã tăng cao trong thập kỷ qua. Năm nay, nước này sẽ phải thanh toán tổng cộng 7 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối chỉ còn 2,3 tỷ USD.
Tại châu Phi, Ai Cập cũng đang chật vật gánh nợ do ngành du lịch thiết yếu chưa thể phục hồi. Nước này đã vay khoảng 20 tỷ USD từ IMF kể từ năm 2016 và luôn phải chi tới hơn 40% nguồn thu ngân sách hàng năm để trả nợ.
Bối cảnh dịch bệnh và xung đột địa chính trị xảy ra cùng một lúc hiện nay thực sự là khó khăn kép chưa từng có trong nhiều năm qua. Điều này khiến hầu hết các quốc gia hiện nay đều gánh khoản nợ nhiều hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong đó nhiều nền kinh tế đang rơi vào tình thế khó khăn vì nợ nần.