(GD&TĐ)-Báo GD&TĐ online giới thiệu gợi ý giải đề thi môn Địa lý tốt nghiệp THPT 2011 của cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội.
>>>Đề địa lý khá dài nhưng vừa sức
Trong phòng thi tại trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn |
I. Phần chung
Câu 1:
1. Hoạt động của gió mùa Đông Bắc
- Thời gian: từ tháng XI đến tháng IV năm sau
- Phạm vi hoạt động: Miền khí hậu phía Bắc
- Hoạt động chính: Nửa đầu mùa đông, gió đi qua lục địa Trung Hoa, gây nên thời tiết lạnh, khô. Nửa sau mùa đông, gió đi qua biển Đông, gây nên thời tiết lạnh ẩm.
- Hướng: Đông Bắc
- Nguồn gốc: Từ áp cao Xibia
• Ảnh hưởng đến thiên nhiên nước ta:
- Thiên nhiên có sự phân hóa theo mùa: Từ dãy Bạch Mã trở ra Bắc có mùa đông lạnh với nhiều loại cây trồng đặc trưng (dẫn chứng)
- Thiên nhiên có sự phân hóa theo chiều Bắc – Nam: Miền Bắc có cảnh quan của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh. Miền Nam có cảnh quan của vùng nhiệt đới cận xích đạo (dẫn chứng)
2. Tính tỉ trọng:
Công thức
Tỉ trọng khu vực I = Lao động khu vực I/Tổng số lao động x 100 (%)
Kết quả: Tỉ trọng lao động khu vực I. Đơn vị: %
Năm | 2000 | 2009 |
Tổng số | 100 | 100 |
Tỉ trọng khu vực I | 59 | 52 |
• Có sự thay đổi tỉ trọng lao động vì:
- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế: giảm tỉ trọng khu vực I
- Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra nhanh
- Chính sách phát triển của Nhà nước, tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ lao động.
Câu 2:
a. Vẽ biểu đồ: Vẽ đúng dạng biểu đồ miền, có tên, có chú giải, có số liệu trong biểu đồ.
b. Nhận xét:
- Cơ cấu giá trị sản xuất phân theo thành phần kinh tế có sự thay đổi rõ rệt và chênh lệch khá lớn giữa các thành phần.
- Cụ thể:
+ Thành phần kinh tế Nhà nước chiếm tỉ trọng thấp nhất và liên tục giảm tỉ trọng (dẫn chứng) vì nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và đang sắp xếp lại hoạt động.
+ Kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng lên với tốc độ khá cao (dẫn chứng) do phát huy được mọi khả năng của các thành phần tư nhân, cá thể, tập thể.
+ Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng lớn nhất nhưng không ổn định (dẫn chứng). Vì chính sách phát triển kinh tế mở của Nhà nước.
Câu 3:
1. Sử dụng Atlat (trang: công nghiệp chung, vùng Đông Nam Bộ)
a. Các ngành của trung tâm công nghiệp Biên Hòa: Cơ khí, hóa chất- phân bón, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, luyện kim đen, luỵên kim màu, sản xuất giấy- xenlulo, chế biến nông sản.
Các ngành của trung tâm công nghiệp Vũng Tàu: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, cơ khí, hóa chất- phân bón, đóng tàu, luyện kim đen, nhiệt điện.
b. Trong quá trình phát triển kinh tế ở Đông Nam Bộ phải chú ý bảo vệ môi trường vì:
- Sử dụng tài nguyên hợp lí, lâu dài, tránh ảnh hưởng đến ngành du lịch mà vùng có nhiều tiềm năng.
- Hoạt động kinh tế phát triển cao nên dễ gây tổn hại đến môi trường
- Là điều kiện quan trọng để mở rộng quan hệ đầu tư với nước ngoài.
2. Thế mạnh và hiện trạng phát triển cây chè ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
a. Thế mạnh:
- Đất feralit khá màu mỡ, diện tích tập trung: thích hợp với cây chè, có thể hình thành vùng chuyên canh, chuyên môn hóa.
- Khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh: phù hợp với cây chè có nguồn gốc cận nhiệt nên năng suất cao, chất lượng tốt.
- Sinh vật: vùng có nhiều giống chè (các giống chè Trung Quốc lá to, lá nhỏ), nhiều giống quý: chè tuyết, chè shan.
b. Hiện trạng:
- Đây là vùng chuyên canh chè số 1 cả nước
- Diện tích, sản lượng đều tăng. Năm 2005, diện tích đạt 80 nghìn ha, chiếm 65% diện tích chè cả nước.
- Tỉ lệ chè được chế biến, xuất khẩu khá cao
- Phân bố: Các tỉnh trồng nhiều chè: Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La.
II. Phần riêng:
Câu IVa
- Thuận lợi:
+ Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa nên tập đoàn cây, con là của vùng nhiệt đới, năng suất cao, thuận lợi thâm canh, tăng vụ.
+ Địa hình, đất trồng: đa dạng, có sự phân hóa nên hệ thống canh tác, hướng chuyên canh khác nhau giữa các vùng.
+ Sinh vật: đa dạng nên cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú.
+ Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều nước thuận lợi cho thủy lợi, phát triển thủy sản, ổn định sản xuất.
- Khó khăn:
+ Khí hậu phân mùa nên sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ sâu sắc
+ Khí hậu nhiều thiên tai nên sản xuất bấp bênh, sâu bệnh dễ lây lan ra diện rộng.
Câu IVb
- Thuận lợi:
+ Lao động đông, có tay nghề: phát triển các ngành có hàm lượng kĩ thuật cao, hiện đại hóa công nghiệp chế biến
+ Thị trường lớn, phân hóa đa dạng: phát triển nhiều ngành công nghiệp, nhất là các ngành hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phục vụ nhu cầu của người dân: chế biến lương thực - thực phẩm, dệt may, da giày và sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí - kĩ thuật điện - điện tử.
+ Chính sách: Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng. Vùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nên thuận lợi thu hút đầu tư.
+ Cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật: khá hiện đại và đồng bộ: thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển theo dạng tỏa tia sang các vùng phụ cận
+ Lịch sử phát triển công nghiệp khá sớm so với các vùng khác: nhiều làng nghề, sớm có các cơ sở công nghiệp: dệt Nam Định, cơ khí Thái Bình, phân đạm Hà Bắc,…
- Khó khăn:
+ Số dân đông, gây khó khăn cho việc đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
+ Tỉ lệ lao động có chuyên môn kĩ thuật còn mỏng khó khăn phát triển các ngành mũi nhọn.
+ Cơ sở hạ tầng và vật chất kĩ thuật chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa công nghiệp.
+ Thiếu nguyên liệu cho phát triển công nghiệp nặng, phần lớn phải nhập từ vùng khác.
Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội
TIN LIÊN QUAN |
---|