“Gọi nhập học những thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử sẽ gây xáo trộn lớn“

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng nếu giải quyết theo hướng gọi nhập học lại những thí sinh "mất chỗ oan" vì gian lận thi cử sẽ gây xáo trộn lớn.

“Gọi nhập học những thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử sẽ gây xáo trộn lớn“

Trao đổi trước câu hỏi của báo chí đặt ra về việc đảm bảo quyền lợi cho một số thí sinh bị mất cơ hội vào ngành học mong muốn do những thí sinh được nâng điểm chiếm chỗ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: "Chúng ta chỉ khắc phục đối với những hậu quả có thể khắc phục được, hay nói cách khác là có tính khả thi”.

Theo bà Phụng, về lý thuyết, có một số thí sinh gian lận từng nhập học các trường và bị hủy kết quả trúng tuyển, và như vậy, một lượng thí sinh có thể thay thế.

“Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với số những thí sinh trúng tuyển khác mà không nhập học hàng năm. Như năm 2018, có hơn 22.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Nếu như nói về tính chất thì 2 việc này là như nhau, bởi 22.000 thí sinh trúng tuyển mà không nhập học này cũng chiếm chỗ của những thí sinh khác”, đại diện Bộ GD-ĐT nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Theo bà Phụng, với 82 thí sinh được nâng điểm bị hủy kết quả trúng tuyển, nếu giải quyết theo hướng những thí sinh có điểm tiệm cận các thí sinh này được vào nguyện vọng thế chỗ thì sẽ phải tiếp tục giải quyết cho 82 thí sinh ở các nguyện vọng thấp hơn. Điều này sẽ diễn ra như chuỗi hiệu ứng domino với tất cả các nguyện vọng của thí sinh.

“Năm ngoái, các thí sinh đăng ký từ 1 đến 48 nguyện vọng. Vậy nếu giải quyết thì sẽ gây xáo trộn toàn bộ hệ thống. Và thậm chí lúc đó lại đặt ra tiếp vấn đề 22.000 thí sinh trúng tuyển không nhập học thì giải quyết quyền lợi cho các thí sinh khác muốn nhập học vào 22.00 chỉ tiêu đó như thế nào”.

Do đó, bà Phụng cho hay Bộ GD-ĐT xếp việc này vào diện những hậu quả không có khả năng khắc phục.

"Ở một góc độ nào đó, câu hỏi đặt ra về quyền lợi của thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử là có lý, nhưng đó là việc không thể giải quyết được đến cùng một cách hợp lý cho tất cả các thí sinh liên quan”, bà Phụng nói.    

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Nói về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), nhận định “Khi nào còn thi cử thì còn gian lận và không ngoại trừ bất kỳ một thời đại nào. Việc chúng ta cần làm hạn chế thấp nhất tiêu cực xảy ra".

Nói về gian lận năm 2018, ông Trinh cho biết "Những ngày sự việc bắt đầu xảy ra, tôi 5 đêm mất ngủ liên tục. Không chỉ tôi mà ở thời điểm đó, kể cả 2-3h sáng tôi gọi Bộ trưởng ông cũng đều nhấc máy để chỉ đạo công việc”.

Ông Trinh cho biết hiện nay các cơ quan vẫn đang tiếp tục điều tra.

“Quan điểm của Bộ Giáo dục là nếu có sai phạm là xử lý, thậm chí cả hình sự. Ngành công an cũng thống nhất làm nghiêm túc kể cả cán bộ của ngành chứ không có ngoại lệ. Tới đây, khi có kết quả rõ ràng, thí sinh và phụ huynh liên quan đến đâu sẽ xử lý đến đó. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không chấp nhận cán bộ trong ngành giáo dục có những hành vi gian lận, sai trái”.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ