Gói lá, chuyện tưởng xưa lại trở thành thời sự

Một tiệm bán nông sản tại TP.HCM gói hàng bằng lá chuối thay túi nilông. Câu chuyện nhỏ được cộng đồng ủng hộ, chia sẻ, lan tỏa một tín hiệu vui khi Việt Nam vẫn nằm trong tốp những nước xả rác nhiều nhất ra đại dương.

Gói lá, chuyện tưởng xưa lại trở thành thời sự
Gói lá, chuyện tưởng xưa lại trở thành thời sự - Ảnh 1.

Thực phẩm được gói ghém bằng lá chuối - Ảnh: N.HIỂN

Tại Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương (10-12-2018), đại diện Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% lượng chất thải nhựa xả ra đại dương của toàn thế giới. 80% trong số đó là từ đất liền.

Dùng túi nilông phải trả tiền

Với số lượng rác thải này, nước ta xếp thứ 4 thế giới, chỉ sau các nước Trung Quốc, Indonesia và Philippines, vị thứ đáng xấu hổ vì đường bờ biển nước ta không dài bằng 3 nước trên. Chúng ta đã có giải pháp hữu hiệu nào để xử lý rác thải nhựa?

Vấn đề rác thải nhựa là vấn nạn không riêng quốc gia nào. Ở nước ta vấn đề túi nilông chỉ mới dừng lại ở việc thu gom, tái chế và lại đưa ra thị trường. Chưa có giải pháp căn cơ để hạn chế sử dụng và hạn chế gây ô nhiễm. 

Việc này trên thế giới đã có những giải pháp cụ thể. Hai giải pháp được thực hiện song hành là đánh thuế túi nilông và phát triển, phổ biến nhiều loại bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường.

Ở Mỹ người ta sản xuất loại túi được làm từ giấy, rất dễ phân hủy. Brasil chọn nguyên liệu từ một loại cây lương thực; chỉ cần 18 ngày chôn dưới đất là phân hủy. Ở Ấn Độ và Indonesia người ta sản xuất được những chiếc túi nilông từ khoai tây và tinh bột sắn...

Việc đánh thuế vào túi nilông được rất nhiều nước thực hiện. Tiêu biểu, ở Anh, trong các cửa hàng, siêu thị túi đựng đồ bằng giấy khách có thể sử dụng thoải mái nhưng túi nilông thì phải trả tiền. 

Người dân Anh rất ít sử dụng túi nilông mà chủ yếu là túi giấy. Sử dụng nhiều túi nilông vừa tốn tiền lại không phải là người... lịch sự trong mắt người khác. Từ việc này, khi đi mua sắm người Anh thường mang theo túi nilông ở nhà để tái sử dụng, nhiều người còn kéo theo cả chiếc vali để đựng hàng hóa (đỡ xách nặng).

Trong khi ở nước ta, tại các siêu thị túi nilông được sử dụng thoải mái không tốn đồng xu nào nên ai ai cũng sử dụng và xả thải vô tội vạ.

Gói lá, nào phải chuyện xưa!

Khi chưa có túi nilông, ông bà ta dùng lá môn, lá sen và chủ yếu là lá chuối để gói đồ. Từ nắm xôi, miếng thịt, con cá, mấy trái ớt, mớ rau... cho đến chiếc nút chai đựng rượu, đồ bịt hũ mắm... đều dùng lá chuối. Lá chuối (tươi và khô) ngày đó phổ biến chẳng thua gì túi nilông ngày nay. Lá chuối rất dễ kiếm, rẻ tiền và dễ phân hủy...

Việc sản xuất các loại túi xách thân thiện với môi trường như các nước đang làm có thể khá tốn kém và khó khăn đối với nước ta. Sử dụng giấy báo cũng liên quan đến việc phá rừng lại có thể nhiễm độc chì từ mực in, chế bằng bột sắn ảnh hưởng đến nguồn lương thực. Sử dụng các loại lá cây (lá chuối là một ví dụ) sẽ không có tác hại gì đáng kể.

Đánh thuế nặng vào việc sản xuất túi nilông (như cách của nhiều nước), nghiên cứu, sản xuất và phổ biến rộng rãi loại túi xách thân thiện môi trường sản xuất từ lá cây... là những giải pháp cho tương lai. Làm được điều đó mới hi vọng kéo vị thứ của ta ra khỏi tốp đầu những nước xả rác nhiều nhất.

Bắt đầu từ chuyện dùng lá chuối

Một tiệm nông sản ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) gói các loại rau củ bằng lá chuối xanh đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng và cộng đồng mạng. Theo chủ tiệm Nguyễn Anh Thảo, trước khi gói bằng lá chuối, anh đã gói rau củ bằng các túi giấy và hoàn toàn không sử dụng các loại bao bì nilông.

Ban đầu, một số khách hàng hơi khó chịu nhưng nay họ ủng hộ cách làm này. Với những người đã có xu hướng dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, khách hàng tích cực đón nhận lá chuối vì hiểu rác lá chuối hầu như không gây hại đến môi trường.

Đã có cửa hàng khác ở TP.HCM và Hà Nội cũng sử dụng lá dong, lá chuối và buộc dây lạt từ tre hoặc cây giang y hệt những mớ rau ráng ở các chợ quê. Trên các diễn đàn "sống xanh", cộng đồng mạng đã rất ủng hộ hình thức kinh doanh này. Không chỉ là câu chuyện những tàu lá chuối. Thay đổi thói quen này như "bật những que diêm", tác động lớn vào ý thức của người tiêu dùng. Rồi chuyện các quán trà sữa, cà phê cũng đã chuyển sang dùng các loại ống hút sinh học, ống hút tự hủy.

Theo Nguyễn Anh Thảo, có nhiều người nội trợ đã thay đổi thói quen khi đi mua sắm, họ xách theo những giỏ hàng bằng cói và từ chối bao bì nilông. Đó là điều cửa hàng này (và nhiều cửa hàng khác) đang tính hướng để phục vụ những thay đổi tích cực từ khách hàng.

NGỌC HIỂN

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ