Gốc rễ của bạo lực

Gốc rễ của bạo lực

Hiện tượng này xảy ra nhiều lần những năm qua và để giải quyết được, phải có ai chịu trách nhiệm về sự bất bình đẳng trong đời sống kinh tế chính trị của các nhóm chủng tộc ở Mỹ.

Vệ binh Quốc gia đã được triển khai ở 15 bang của Mỹ và ở thủ đô Washington nhằm cố kiềm chế bạo lực đã kéo dài sang đêm thứ sáu 31/5. Bạo lực bùng phát sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd khi bị cảnh sát bắt giữ. Các băng ghi hình cho thấy, hôm 25/5, một sĩ quan cảnh sát da trắng ở Minneapolis đã dùng đầu gối kẹp cổ Floyd gần 9 phút trước khi người này chết. Floyd đã cố gắng thoát khỏi gọng kìm của cảnh sát, thều thào: “Tôi không thở được, làm ơn cho tôi thở...”.

Viên sĩ quan cảnh sát đã sử dụng bạo lực với Floyd là Derek Chauvin, 44 tuổi. Người này đã bị bắt và bị cáo buộc giết người cấp độ 3.

Cái chết của Floyd đã gây giận dữ trên cả nước Mỹ. Biểu tình lan ra ở hàng chục thành phố, khắp nơi thấy những tấm biểu ngữ nhắc lại câu nói của Floyd: “Tôi không thở được, làm ơn cho tôi thở”. Nhiều nơi biểu tình biến thành bạo lực, cướp bóc, đốt phá. Ở Washington D.C., người biểu tình đã đụng độ với Mật vụ Mỹ gần Nhà Trắng hôm 31/5, họ đốt lửa và hô vang tên George Floyd.

Reuters cho biết, nhà chức trách đã ban hành lệnh giới nghiêm ở hàng chục thành phố khắp nước Mỹ, nhiều nhất kể từ sau cái chết của nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968 - vụ ám sát Luther King lúc đó cũng là lúc có chiến dịch tranh cử tổng thống và càng nóng hơn bởi các cuộc biểu tình phản chiến lúc bấy giờ.

Biểu tình lan ra bất chấp dịch Covid-19 vẫn chưa suy yếu ở nước Mỹ. Và trong năm nay, Mỹ vốn đã bị chia rẽ về chính trị và chủng tộc trong một chiến dịch tranh cử tổng thống đầy phân cực. Tổng thống Donald Trump lại có những phát biểu như đổ dầu vào lửa. Ông lên án vụ giết Floyd và hứa sẽ đem lại công lý, nhưng ông cũng miêu tả những người biểu tình là “du côn”. Trên Twitter hôm 31/5, ông viết: “Các thị trưởng và thống đốc Dân chủ hãy cứng rắn lên. Những người này là những kẻ bảo hoàng. Hãy gọi Vệ binh Quốc gia ngay bây giờ”.

Có những phân tích cho rằng, bạo lực lần này cho thấy, ông Trump đã thất bại trong việc điều hành đất nước, ông không có kinh nghiệm chính trị và quân sự, không giải quyết được những bất công trong đời sống của các nhóm thiểu số, thiên kiến nhằm vào họ, mà điều này thực ra đã kéo dài suốt nhiều đời tổng thống và khó mà thay đổi được ở nước Mỹ, nơi sự phân biệt chủng tộc bắt rễ sâu sắc suốt nhiều thế kỷ.

Trong nhiều năm qua, các cuộc phản đối bạo lực kiểu này đã bùng lên nhiều lần vì những vụ giết người của cảnh sát, và quan trọng là cảnh sát không phải chịu hậu quả gì. Một phân tích gần đây của nhóm Vẽ bản đồ bạo lực của cảnh sát (Mapping Police Violence) cho thấy, 99% các vụ giết người của cảnh sát Mỹ từ năm 2014 đến 2019 không dẫn tới việc sĩ quan cảnh sát bị buộc tội đã gây tội ác, chưa nói là bị kết tội.

Số liệu của tổ chức này cũng cho thấy, số vụ giết người của cảnh sát Mỹ tăng nhẹ từ 2013 với 1.106 vụ, đến 2018 với 1.243 vụ, và năm 2019 giảm nhẹ xuống 1.098 vụ. Số người Mỹ đen và Mỹ trắng bị cảnh sát giết giảm nhẹ, nhưng số người Mỹ gốc Latinh bị giết tăng nhẹ, và số người Mỹ bản xứ, Mỹ gốc Á bị giết tăng mạnh rồi giảm chút ít.

Bạo lực không chấm dứt được sự phân biệt chủng tộc, vậy thì điều gì có thể làm được điều đó? Tờ Guardian của Anh đặt câu hỏi như vậy. Điều đáng chú ý là các cuộc biểu tình lần này thu hút những nhóm người khá đa dạng ở Mỹ, không chỉ là người da đen. Hơn nữa, phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát đã lan ra nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những cuộc biểu tình ở London và Berlin hôm 31/5, ở New Zealand, Australia và Hà Lan ngày 1/6. Gốc rễ phải là giải quyết những bất bình đẳng trong đời sống kinh tế và chính trị của các nhóm chủng tộc, và phải bắt cảnh sát chịu trách nhiệm nghiêm khắc khi họ gây ra bạo lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ