Tôn trọng quyền đi học của trẻ

GD&TĐ - Câu chuyện người dân thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (Mê Linh, Hà Nội) không cho con đến trường để phản đối việc xây trường mới ở thôn khác nhận được nhiều bình luận từ dư luận xã hội. Nhiều người lắc đầu ngao ngán về hành vi này của phụ huynh, bởi họ đã vi phạm quyền được đi học của chính con em mình.  

Hiến pháp 2013 đã quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ công dân”. Ảnh minh họa/ Internet
Hiến pháp 2013 đã quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ công dân”. Ảnh minh họa/ Internet

Thực tế cũng từng xảy ra hiện tượng phụ huynh ở một số địa phương cho con nghỉ học để phản đối việc lạm thu của nhà trường hoặc do chủ trương sáp nhập trường của chính quyền địa phương. Còn nhớ, đầu năm 2019, hàng trăm HS của Trường THPT Tiên Yên nghỉ học vì lý do sợ phải chuyển sang cơ sở học mới. Sự việc này cũng khiến báo chí tốn không ít giấy mực.

Không bàn đến chuyện đúng, sai và những nguyên nhân sâu xa nhưng rõ ràng, điều mà ai cũng nhìn thấy, đó là HS phải nghỉ học chỉ vì người lớn, đó là sự thiệt thòi không thể cân đong, đo đếm. Và dù với bất kỳ lý do gì đi chăng nữa cũng khiến chúng ta phải trăn trở, suy tư khi quyền lợi học tập của các em không được bảo đảm.

Xét ở góc độ gia đình, dù vô tình hay hữu ý chính phụ huynh đã và đang làm mất đi cơ hội học tập của con em mình; thậm chí là xâm phạm đến quyền được đến lớp, đến trường của các em. Nói như một số luật sư, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi bất kỳ trẻ em nào dưới 16 tuổi, đều có quyền được đi học. Quyền này được Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện.

Hiến pháp 2013 đã quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ công dân”. Luật Bảo vệ, chăm sóc và GD trẻ em cũng nêu rõ, trẻ em có quyền được học tập. Nghị định 71/2011/NĐ-CP cũng nêu, nghiêm cấm việc lợi dụng uy tín, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vật chất, uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học; Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện...

Mới đây nhất, Luật GD năm 2019 cũng quy định, mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập GD và hoàn thành GD bắt buộc. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập GD và hoàn thành GD bắt buộc.

Tất cả những điều đó, suy cho cùng cũng là bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ học tập của các em. Nói cách khác, đó là quyền tối quan trọng của trẻ em và là bất khả xâm hại. Vì vậy, gia đình, nhà trường, xã hội có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập của mình.

Chúng ta sẽ có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề nếu bình tĩnh, suy nghĩ trước sau. Nhưng nếu mang con cái ra để làm công cụ thì không nên một chút nào. Chúng ta vẫn thường nói, không ai có quyền xâm hại vào quyền được đi học của các em, không một ai được có hành vi làm mất an toàn hoặc ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Chúng ta đang xây dựng và thay đổi 3 trụ cột: Gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Vì vậy, hơn bao giờ hết gia đình phải là nền tảng, là trụ cột vững chắc để các em có động lực tiếp bước đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ