Tăng chế tài, xử lý nghiêm việc tung tin giả, hoang báo sai sự thật

GD&TĐ - Thời gian gần đây, tình trạng dựng chuyện “bắt cóc” để lừa đảo, trốn nợ hay hoang báo tin sai sự thật để trốn tránh nghĩa vụ, trục lợi cá nhân diễn ra khá nhiều.

Đại diện Công an huyện.U Minh Thượng đọc quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Văn Hùng (đứng bên phải) vì có hành vi báo tin giả.
Đại diện Công an huyện.U Minh Thượng đọc quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Văn Hùng (đứng bên phải) vì có hành vi báo tin giả.

Ngày 24/8/2019, Công an huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã xử phạt 750.000 đồng và thực hiện họp dân công khai hóa đối với ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1965; ngụ ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng) vì có hành vi báo tin giả bị bắt cóc lấy hết tiền nhằm trốn nợ.

Trước đó, có nhiều vụ việc tương tự như báo tin giả, dựng chuyện lừa dối dư luận, câu like trên mạng xã hội... Thậm chí, có nhiều trường hợp lừa dối ngay cả với người thân trong gia đình như vợ lừa dối chồng, con cái lừa dối cha mẹ nhằm che dấu hành vi sai trái, trốn tránh trách nhiệm của mình.

Có thể khẳng định việc tung tin giả, hoang báo gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Trước hết, hành vi này gây hoang mang, lo lắng cho người dân, gây bất ổn xã hội ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Mặt khác, khi tiếp nhận tin báo giả nhưng buộc các cơ quan chức năng phải thụ lý, giải quyết nên tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để vào cuộc điều tra làm rõ, truy tìm thủ phạm...

Nguyên nhân tình trạng tung tin giả, hoang báo sai sự thật ngày càng gia tăng trong thời gian qua là do việc xử lý đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, ở vụ việc trên với hành vi hoang báo tin giả ông Hùng chỉ bị phạt 750.000 đồng là quá nhẹ, chưa có tác dụng răn đe đối với người khác.

Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa ý thức, chưa hiểu rõ những tác hại, tiêu cực của việc tung tin giả nên cứ “vô tư” thực hiện. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng triệu tập, xử lý, dư luận xã hội lên án mới biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, một số đối tượng xấu, bất mãn biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng cố tình tung tin giả gây hoang mang dư luận mục đích là gây bất ổn xã hội, chống phá chính quyền.

Bởi vậy, theo chúng tôi cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi tung tin giả, hoang báo sai sự thật, nhất là tung tin giả bị bắt cóc, bị cướp, bị trộm tài sản dưới vai trò... “bị hại”. Đồng thời, phải tăng các chế tài, hình phạt đối với hành vi này, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự, buộc bồi thường thiệt hại nếu gây bất ổn xã hội, thiệt hại cho cơ quan, tổ chức liên quan.

Có như vậy, mới ngăn chặn, xử lý được tình trạng tung tin giả, hoang báo sai sự thật tràn lan như hiện nay. Mặt khác, có tác dụng răn đe, phòng ngừa các trường hợp vi phạm tương tự về sau.           

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ