Tin giả

GD&TĐ - Cách đây vài hôm, trên một tờ báo chính thống có đăng tấm ảnh anh lính cứu hỏa ngồi phờ phạc, mặt mũi nhuộm khói đen, mắt ngân ngấn nước, lộ vẻ mệt mỏi và bất lực sau những giờ căng thẳng chữa cháy. Đây là ảnh thật nhưng đáng tiếc, lời chú thích cho tấm ảnh lại là … giả.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lợi dụng sự quan tâm của mọi người vào sự kiện cháy rừng tàn khốc đang diễn ra tại Hà Tĩnh, tác giả bài viết kèm tấm ảnh ấy chú thích rằng, đây chính là anh lính cứu hỏa đang quần nhau với “giặc lửa” tại Hà Tĩnh những ngày qua.

Thế rồi, cộng đồng mạng “dậy sóng” vì cảm động trước sự quên mình chữa cháy của anh lính nọ. Không ít Facebooker đã… khóc như mưa khi nhìn tấm ảnh ấy. Họ vừa thương cảm cho những anh lính chữa lửa, vừa đau xót cho hàng ngàn hecta thông bị cháy nhưng đành bất lực.

Tuy nhiên, sự thật là, tấm ảnh ấy được đăng trên báo Tuổi Trẻ trong một vụ hỏa hoạn tại Hà Nội cách đây không lâu.

Thông tin không đúng về anh lính cứu hỏa trên đây chỉ làm tổn thương đến tình cảm của bạn đọc vì sự hẫng hụt khi bị mắc lừa. Nhưng có những “tin vịt” đã mang lại những hệ lụy khó lường.

Tin về Trung Quốc tấn công đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam xuất hiện trên một tờ báo của Australia vài tháng trước đây đã gây hoang mang thực sự cho những ai quan tâm đến sự tồn vong của biển đảo đất nước ta.

Hay tin về việc thành lập hai quận mới của Đà Nẵng khiến cơn sốt đất tại các “quận mới” của thành phố này nóng hầm hập suốt cả tháng trời. Một tin giả khác được “truyền miệng” về việc “mất tích” của ông giám đốc bảo hiểm nhân thọ của tỉnh nọ khiến những ai trót mua bảo hiểm của công ty này mất ăn mất ngủ trong nhiều tuần liền.

Tin về dịch tả lợn châu Phi được tung lên tại Quảng Ninh cũng gây hoang mang cho người dân ở vùng biên giới suốt một thời gian dài.

Đã có những chế tài xử phạt dành cho loại tin giả gây hoang mang trong xã hội. Tuy nhiên, “đất sống” cho những loại tin như thế là các trang mạng xã hội. Còn với một tờ báo chính thống mà vẫn để cho loại tin “ba xu” ấy lọt vào làm tổn thương đến tình cảm của bạn đọc, gây hoang mang cho xã hội thì thật không nên.

Ở thời buổi mà thông tin gần như không có một hàng rào ngăn cách nào như hiện nay, người đọc/xem có quyền được tiếp cận với nhiều nguồn tin, điều đó không có nghĩa là “muốn đưa tin sao cũng được”.

Trước khi có những chế tài thật mạnh và nghiêm khắc dành cho những kẻ tung tin giả ấy, bạn đọc khôn ngoan cũng nên tự lập một “hàng rào kiểm duyệt” cho chính mình để khỏi bị mắc lừa vậy.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ