Tôi từng nghe nhiều giáo viên trải lòng về những giờ “diễn” khi thi giáo viên dạy giỏi và ám ảnh với câu chuyện của cô Đinh Thị Thanh Tuyền - giáo viên Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ). Cô kể về một đồng nghiệp vừa trở về từ cuộc thi giáo viên giỏi cấp THCS. Con sốt 40 độ. Chị gần như thức trắng đêm. 4 giờ sáng, hai vợ chồng bỏ con cho bà ngoại, chở nhau với lủng củng cặp sách, máy chiếu, vượt quãng đường hơn 50 cây số về huyện dự thi giáo viên giỏi. Thi xong, hai vợ chồng vội vàng về đưa con đi viện.
Bản thân cô Tuyền, với tư cách là Tổ trưởng chuyên môn, cũng đã có lần phải gọi điện làm công tác tư tưởng cho chồng của một đồng nghiệp, để chị có thể đi thi giáo viên giỏi, vì anh ca thán “tối ngày vùi đầu vào bài vở”. Để có được một giờ dạy thi giáo viên giỏi, giáo viên phải bỏ vào đó không chỉ là mồ hôi, công sức…
Nhiều giáo viên từng thi giáo viên dạy giỏi trăn trở: Có phải tiết dạy nào chúng ta cũng đổi mới hăng say như vậy? Có phải học trò nào cũng thực hiện nhiệm vụ tốt như thế? Có phải bài cũ nào cũng được chuẩn bị chu đáo đến vậy? Tất cả được xây dựng theo một “kịch bản” được xây dựng từ trước đó cả tuần, thậm chí cả tháng mà cả thầy cô giáo lẫn HS đều hiểu rằng mình là “diễn viên”. Vì vậy, không được phép sai “kịch bản”. Thậm chí, “kịch bản” được dựng sẵn còn có cả những đoạn phải sai “kịch bản” để có đất “diễn”. Đó là những câu trả lời HS được chỉ định trả lời thiếu để HS khác có cơ hội bổ sung. Như vậy, giờ dạy sẽ “hoàn hảo” hơn!
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ trưởng khi ông đã lắng nghe và thấu hiểu chúng tôi. Đằng sau phát biểu ấy là sự dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh sự thật - điều mà bất kì thầy cô giáo nào cũng dạy bảo HS hàng ngày, nhưng đôi khi chúng tôi lại chưa làm được như thế”. Lời gửi gắm của cô giáo đến từ Phú Thọ có lẽ cũng là của rất nhiều giáo viên trên khắp mọi miền đất nước, khi thấy mình được thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông, được nói hộ nỗi lòng khó nói.
Khi mà đâu đó, xã hội đang có cái nhìn khắt khe với GD, áp lực trên vai mỗi nhà giáo nặng hơn, thì sự thấu hiểu của người đứng đầu ngành thực sự là động lực giúp thầy cô dành tất cả tình yêu và trách nhiệm của mình để GD học trò, không áp lực, không lo chạy theo thành tích mà bỏ qua nhiều giá trị khác…
Chỉ ra những bất cập của việc thi giáo viên giỏi không phải là “vạch áo cho người xem lưng”, mà là một góc nhìn thẳng và thật của người trong cuộc, để xã hội hiểu rằng chúng ta không bao che cho những khuyết điểm của nhau, không né tránh hạn chế của mình và chúng ta vẫn đang nỗ lực từng ngày để thực hiện sứ mệnh cao cả là GD con người.
Nhiều giáo viên thể hiện niềm hy vọng, sau những chuyến đi “thị sát” và hiểu thêm tâm tư của giáo viên, Bộ trưởng sẽ có những hành động thiết thực, quyết liệt để giảm bớt đi những áp lực không đáng có cho giáo viên, tạo ra môi trường nhà trường trong sạch, lành mạnh; giúp việc giáo viên nâng cao trình độ, cố gắng mỗi ngày để có giờ lên lớp hiệu quả là một nhu cầu tự thân. Những nỗ lực đó để nâng cao chất lượng giảng dạy hàng ngày chứ không phải chỉ qua một giờ dạy.