Góc khuất trong hệ thống giáo dục mầm non Trung Quốc

GD&TĐ - Trong thập kỷ qua, ngành giáo dục mầm non tại Trung Quốc đã tiến bộ vượt bậc nhờ sự đóng góp của các hệ thống trường tư.

Trung Quốc thiếu giáo viên mầm non đạt tiêu chuẩn.
Trung Quốc thiếu giáo viên mầm non đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, lượng giáo viên đạt chuẩn không đủ đáp ứng cơn sốt này khiến việc chăm sóc trẻ mầm non gặp nhiều trở ngại.

Khi Jane, giáo viên mẫu giáo làm việc tại thành phố Quảng Châu, nói với bạn học cũ về công việc của mình, cô được hỏi: “Các bạn có đánh trẻ em không?”. Choáng váng và bối rối, Jane trả lời: “Không, chúng tôi không làm vậy”.

Câu hỏi dành cho Jane không phải hiếm gặp khi nạn bạo lực học đường liên tục xảy ra tại các trường mẫu giáo Trung Quốc trong những năm gần đây. Vào năm 2018, một giáo viên làm việc trường mẫu giáo thuộc Hệ thống giáo dục tư nhân RYB, đã nhận mức án 18 tháng tù giam vì dùng kim phạt trẻ.

Tháng 9/2020, hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư thục tại Nội Mông bị cách chức sau khi phụ huynh tố cáo giáo viên trường dùng kim, tăm xỉa răng đâm trẻ để rèn kỷ luật.

Các vụ bạo hành trẻ em là hệ lụy trước những tiến bộ vượt bậc của ngành giáo dục mầm non tại Trung Quốc trong thập kỷ qua. Năm 2009, 51% trẻ từ 3 - 6 tuổi trên cả nước đi học mẫu giáo. Đến năm 2019, con số này tăng lên hơn 83%, tương đương với khoảng 17,4 triệu em.

Các hệ thống giáo dục tư nhân như RYB đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng này. Đến năm 2019, 61% trường mẫu giáo tại Trung Quốc do tư nhân điều hành. Hơn 56% trẻ theo học tại cơ sở tư nhân.

Nhiều công ty tư nhân quản lý giáo dục mầm non nhưng có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tập đoàn Vtron, nơi điều hành trường mẫu giáo xảy ra nạn bạo lực ở Nội Mông, chủ yếu sản xuất màn hình ghép. Năm 2015, họ mua lại bốn cơ sở nhà trẻ và quản lý đến nay. Đối thủ của Vtron là Tập đoàn Shenzhen Changfang từng kinh doanh đèn LED trước khi chuyển sang xây dựng hệ thống giáo dục mầm non vào năm 2016.

Cơn sốt thành lập cơ sở giáo dục tư nhân đã kéo theo nhu cầu giáo viên mầm non tăng đột biến nhưng lượng giáo viên đủ tiêu chuẩn không thể đáp ứng. Trước năm 2010, khi Trung Quốc đưa giáo viên mầm non vào danh sách ưu tiên đào tạo giáo viên quốc gia, có rất ít chương trình đào tạo về giáo dục mầm non. Hầu hết là phần bổ sung cho chương trình đào tạo cấp tiểu học và THCS.

Dù chương trình đào tạo giáo viên phần nào được cải thiện, tình trạng thiếu nguồn nhân lực ngành giáo dục mầm non vẫn tồn tại. Năm 2019, Chen Baosheng, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc ước tính cả nước thiếu hụt 520.000 giáo viên mầm non đạt chuẩn. Ở một số vùng nông thôn, một giáo viên có thể phải quản lý khoảng 100 trẻ.

Bên cạnh sự thiếu hụt là tình trạng lương thấp, nghề nghiệp không được coi trọng. Nhiều giáo viên mẫu giáo chia sẻ ít người nhìn nhận họ như một nhà giáo dục. Họ được coi như vú em, người trông trẻ. Hầu hết giáo viên mầm non đánh giá nghề nghiệp này không có tính ổn định hoặc bền vững.

Điều này dẫn đến nhiều trường mầm non mất đi 1/3 lượng giáo viên hàng năm. Một số trường thuê ứng viên không đủ năng lực để lấp đầy chỗ trống. Số khác không quan tâm đào tạo giáo viên mới.

Những vấn đề trên đã để lại hậu quả trực tiếp trong các trường học. Theo phân tích năm 2019, nguyên nhân chính của các vụ lạm dụng trẻ em là do thiếu đào tạo. Vì trừng phạt thân thể từng được coi là chuẩn mực giáo dục tại Trung Quốc, nhiều giáo viên không nhận ra hành động này là sai.

Để kiểm soát tình trạng trên, chính phủ đã ban hành các quy định quan trọng vào năm 2017, 2018. Trong đó yêu cầu trường mẫu giáo vì lợi nhuận chỉ được chiếm 20% cơ sở giáo dục mầm non tại các tỉnh, thành phố.

Các trường phi lợi nhuận được nhận thêm tài trợ công, chính sách thuế ưu đãi nhưng phải tuân theo mức học phí do chính phủ quy định. Tuy nhiên, quy định này có thể khiến ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo do các trường cắt giảm chi phí.

Theo Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ