Ấn tượng ban đầu của tôi về chị là một người hơi lạnh lùng và khó gần. Ngược lại, em chồng lại vô cùng dễ mến và luôn tỏ ra là người hiểu chuyện.
Biết tôi là dâu mới, em chủ động đến bên hỏi han rồi khéo léo giúp tôi hòa nhập với gia đình một cách tự nhiên. Em chồng chỉ kém tôi 2 tuổi nên chúng tôi cũng dễ nói chuyện với nhau.
Em chồng cũng đã có gia đình riêng nên thỉnh thoảng mới về nhà chơi. Ít có cơ hội chuyện trò nên em chủ động kết bạn Facebook, Zalo để chat với tôi thường xuyên hơn. Càng ngày tôi càng nhận ra em chồng thích tôi hơn chị dâu.
Mỗi khi về nhà, cái cách em chồng chào hỏi chị dâu chỉ mang tính xã giao, hoàn toàn không có chút tình cảm đặc biệt nào. Một vài lần tôi dò hỏi: “Em thấy chị Ngần thế nào? Chị có cảm giác chị ấy hơi khó gần?”. Câu trả lời của em chồng khiến tôi ngỡ ngàng và có chút xấu hổ: “Em thấy chị Ngần chỉ hơi ít nói thôi, tâm tính của chị ấy rất tốt”.
Tôi nghĩ mình hơi vội vàng khi nhận định về chị dâu như thế. Sau hôm đó, chính tôi là người chủ động trò chuyện với chị dâu y như cái cách em chồng từng làm với tôi.
Và càng tiếp xúc với chị, tôi lại càng thấy chị dễ mến. Chị rất thành đạt trong công việc nhưng khi về nhà, chị không bao giờ khoe khoang hay thể hiện, chị điềm đạm từ lời ăn tiếng nói cho đến từng cử chỉ, ở chị có nhiều thứ để tôi học tập.
Khi đã thân thiết với tôi hơn, chị mở lòng và trò chuyện nhiều hơn. Tôi thấy mình may mắn biết bao khi có cả chị dâu và em chồng vô cùng dễ chịu.
Một ngày em chồng gọi tôi: “Chị ơi, điện thoại của chồng em bị hỏng, em muốn mua tặng anh ấy một cái mới, nhưng em đang thiếu một ít…”. Tôi đủ tinh ý để biết rằng em chồng hơi ngại ngùng khi hỏi vay tiền, tôi làm ra vẻ bình thường nhất có thể: “Ừ, em thiếu bao nhiêu để chị đưa?”.
Lúc cho em chồng vay tiền, tôi không hề suy nghĩ gì, nhưng nửa năm đã trôi qua, không thấy em trả món nợ đúng hẹn và thậm chí không có một lời hồi âm gì về món tiền đó, tôi bắt đầu thấy “gợn gợn”.
Trên Facebook, em liên tục post ảnh đi ăn nhà hàng với bạn bè và khoe những món đồ em mới sắm, tôi giật mình khi nhìn thấy có những món hàng hiệu vài triệu.
Cuộc sống của em dường như không hề khó khăn như em nói. Nhưng tôi thực sự không muốn nghĩ khác về em chồng, ấn tượng ban đầu của tôi về em rất tốt, món tiền em vay tôi ngày nào có lẽ em vô tình quên thôi.
Cố gắng để không nghĩ xấu về em chồng, nhưng một hôm nói chuyện với chị dâu, tự nhiên tôi mạnh dạn hỏi: “Chị đã bị ai đó vay tiền chưa?”. Chị gật đầu. Tôi hỏi tiếp: “Thế rồi người ta có trả tiền cho chị không?”. “Có, vừa mới trả sau 2 năm, mà chị phải nhắn tin đòi người ta mới trả nhỏ giọt, mỗi lần một ít. Thế em cũng cho ai đó vay tiền à? Vay nhiều không?”.
Cách chị dâu trả lời và hỏi khiến tôi giật mình nhận ra chị và tôi đều là “nạn nhân” của một kẻ chuyên đi vay tiền để… ăn chơi. Tôi ý nhị trả lời: “Em bị người ta vay 10 triệu, hứa rằng một tháng sau sẽ trả nhưng nửa năm trôi qua rồi mà người ta chẳng nói gì chị ạ”.
Chị dâu như thể đọc được suy nghĩ của tôi, chị nói nửa đùa nửa thật: “Xếp hàng chờ nhé, người ta mới trả xong món nợ của chị mà, có khi người ta còn vay nhiều chỗ khác nữa, không chỉ riêng chị em mình đâu, haiz, đã khó khăn còn thích ăn chơi nữa cơ. Mình có chút điều kiện, nhưng cũng chỉ dám dùng hàng Việt Nam xuất khẩu, người ta thì…”.
Biết thừa chị đang nói về ai, hiểu thấu vì sao chị dâu và em chồng không còn vui vẻ, xởi lởi với nhau nữa, tôi cũng chẳng cố gắng ý nhị làm gì: “Ban đầu em rất quý và thương người ta, nhưng càng về sau em càng thấy gợn gợn, dẫu vậy em vẫn không dám nhận định hay nhìn người ta bằng ánh mắt khác, nhưng hôm nay nghe chị kể em mới thấy cảm nhận lúc này của mình không sai”.
Chị dâu gật đầu: “Ừ, chị hiểu, vì những gì em cảm nhận đều là những gì chị đã trải qua, có một chút thất vọng rồi phải không?”. Tôi thừa nhận: “Vâng, nhưng em không buồn mà chỉ thấy nản thôi. Giờ lại phải mở miệng đòi tiền hả chị? Mệt mỏi quá!”.