Thời gian kết thúc khóa học có thể muộn hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng đổi lại họ có thể cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ hay cùng lúc 2 bằng đại học chỉ trong khoảng thời gian 5 năm…
Học thạc sĩ từ năm thứ 3
Từ năm 2019, ĐH Quốc gia TPHCM áp dụng quy định về đào tạo liên thông từ trình độ đại học lên trình độ thạc sĩ (chương trình BS-MS). Theo đó, sinh viên đang theo học bậc đại học tại các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM được liên thông lên trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng, rút ngắn thời gian học tập.
Bằng việc cho phép sinh viên đăng ký học và tích lũy các môn học trình độ thạc sĩ từ năm thứ 3, thứ 4, người có học lực khá, giỏi rút ngắn thời gian học tập so với tổng thời gian đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ của ngành tương ứng.
Với lợi thế có nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng nước ngoài, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM triển khai mạnh chương trình BS-MS. PGS.TS Hoàng Trang - Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Trường ĐH Bách khoa TPHCM (HCMUT) - cho biết: Cách đây 2 năm HCMUT đã tiên phong thí điểm đào tạo chương trình BS-MS. Từ năm 2021và sau Tết Nguyên đán 2022, số lượng sinh viên tham gia liên thông BS-MS tương đối nhiều, có thể nói là dẫn đầu cả nước.
Trong năm 2021, có gần 900 sinh viên đăng ký tham gia chương trình BS-MS và 131 sinh viên thuộc chương trình BS-MS sau khi tốt nghiệp ĐH đã đăng ký nhập học chương trình cao học. Trong năm 2022 có 240 sinh viên đăng ký tham gia chương trình này.
“Chương trình này dành cho sinh viên khá giỏi, đang học đại học, được phép học một số môn học, kiến thức thạc sĩ, giúp rút ngắn thời gian, học phí và tiếp cận nhanh chóng với các kiến thức ở bậc cao hơn. Tiêu chuẩn để học chương trình BS-MS là sinh viên từ năm 3 chương trình đại học, tích lũy tối thiểu 60 tín chỉ và có điểm trung bình tích lũy cao hơn 7,0. Học thạc sĩ đúng ngành với bậc đại học…”, PGS.TS Hoàng Trang cho hay.
Sau khi trúng tuyển đại học vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM khóa 2017, Tôn Thất Bảo Phúc đăng ký học chương trình BS-MS ngành Điện tử - Viễn thông. Cuối năm nay, Bảo Phúc sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ. Phúc đã tham gia viết hai bài báo khoa học về lĩnh vực thiết kế, chế tạo vi mạch đăng trên tạp chí khoa học quốc tế cùng với giảng viên. Đồng thời, bản thân đang soạn thảo thêm 2 bài báo nữa đăng tạp chí SCImago Q3, Q2 để hoàn thành mục tiêu tốt nghiệp thạc sĩ trong năm 2022 này.
“Khi vào học đại học được thầy cô tư vấn chương trình BS-MS, em thấy hay nên đăng ký tham gia. Khi tham gia học chương trình liên thông trình độ đại học lên thạc sĩ của ĐH Quốc gia TPHCM, em đã rút ngắn khoảng thời gian học để lấy bằng tốt nghiệp đại học và thạc sĩ (từ 5,5 – 6 năm đào tạo xuống còn 5 năm). Qua đó tiết kiệm được khoản tiền học phí (1 năm học liên thông tiết kiệm khoảng 30 triệu đồng)”, Tôn Thất Bảo Phúc chia sẻ.
Lấy cùng lúc 2 bằng tốt nghiệp đại học
Trong số hơn 700 tân kỹ sư, cử nhân của Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐH Quốc gia TPHCM tốt nghiệp ngày 13/3, Lê Phạm Nguyệt Thương gây chú ý khi tốt nghiệp loại giỏi cùng lúc 2 ngành: Công nghệ sinh học và ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Nguyệt Thương trúng tuyển vào IU với ngành Công nghệ sinh học, sau đó tiếp xúc, cảm thấy thích ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng nên đăng ký học cùng lúc 2 bằng. “Khi là sinh viên năm 3, đang học ngành Công nghệ sinh học, lúc đó chỉ còn vài môn, em thử vào lớp logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thời điểm đó, đây là ngành học mới vô cùng hấp dẫn để “học chui” xem sao. Trong tiết học này, những kiến thức về chuỗi cung ứng khá thú vị nên tìm tòi và thấy ngành này sẽ giúp ích cho ngành Công nghệ sinh học trong việc bảo quản, lưu thông các chế phẩm sinh học. Lúc này, trường đang mở chương trình song ngành nên em chọn học thêm ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng”, Nguyệt Thương chia sẻ.
Nói về những lợi ích khi chọn học cùng lúc 2 ngành, Thương cho thông tin: “Học song ngành mang lại nhiều kiến thức và kỹ năng, đồng thời mở ra các hướng để lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân hơn. Mặc dù trong tương lai chỉ có thể chọn một hướng để lập nghiệp nhưng kiến thức của ngành còn lại sẽ bổ trợ rất nhiều…”.
Một điểm khá thú vị là tuy trúng tuyển đầu vào ngành Công nghệ sinh học nhưng sau quá trình học song ngành, Nguyệt Thương cho biết, bản thân chọn “mưu sinh” với ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
“Bản thân yêu thích hai ngành này, nhưng trong quá trình học em cảm thấy mình phù hợp với ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng hơn. Em đi làm trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng được mấy tháng”, Nguyệt Thương thông tin thêm.
Theo đại diện Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐH Quốc gia TPHCM, chương trình đào tạo song bằng triển khai từ năm 2017. Tuy số lượng đăng ký học không nhiều nhưng sinh viên tốt nghiệp cùng lúc 2 bằng đại học đa phần đạt loại giỏi, xuất sắc.