Gỡ 'nút thắt' thiếu giáo viên tại vùng cao Yên Bái

GD&TĐ - Việc tuyển dụng mới và giữ chân giáo viên công tác tại vùng cao đang là một bài toán khó tại Yên Bái.

Nhiều chính sách thu hút giáo viên công tác lâu dài, gắn bó với các vùng khó khăn tại Yên Bái.
Nhiều chính sách thu hút giáo viên công tác lâu dài, gắn bó với các vùng khó khăn tại Yên Bái.

Yên Bái, một trong những địa phương luôn xảy ra tình trạng thiếu nhiều giáo viên và khó tuyển dụng mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ.

Thời điểm năm 2021, do số lượng giáo viên đăng ký chỉ hơn 50% chỉ tiêu tuyển dụng, tỉnh Yên Bái đã đưa ra chính sách tặng ngay 100 triệu đồng cho giáo viên về dạy học nhưng số lượng tuyển mới không đáng kể.

Tại vùng cao Mù Cang Chải, năm học vừa qua, toàn huyện thiếu hàng trăm giáo viên, nhất là thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh.

1000031384.jpg
Tình trạng thiếu giáo viên tại vùng cao Yên Bái được ngành giáo dục chú trọng tìm giải pháp.

Theo cô Hoàng Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính, bài toán thu hút giáo viên hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại.

Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần tại vùng cao đã có nhiều cải thiện, nhà công vụ được đảm bảo, đường sá thuận lợi, Internet phủ sóng… nhưng nhiều thầy cô vẫn còn e ngại do khoảng cách địa lý và việc phải sống xa gia đình.

“Đây chính là yếu tố khiến nhiều giáo viên trẻ đắn đo khi lựa chọn công tác lâu dài tại miền núi. Như trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính có tổng cộng 25 lớp, nhưng chỉ có 31 thầy cô giáo đứng lớp. Trong số các giáo viên, có 3 người là viên chức biệt phái được điều động tăng cường từ các khu vực khác”, cô Ngân chia sẻ.

Thực tế khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên cũng diễn ra tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Nhiều lãnh đạo trường học kiến nghị, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững, cần có chiến lược dài hạn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực ngay tại địa phương.

Những sinh viên sư phạm có xuất phát điểm từ vùng cao, mong muốn trở về quê hương công tác, nên được ưu tiên tuyển dụng và hỗ trợ học tập. Họ có lợi thế lớn về ngôn ngữ, văn hóa bản địa, và sẽ dễ dàng hòa nhập cũng như gắn bó với công việc giảng dạy lâu dài.

Bên cạnh đó, những người đã tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng chưa đủ điều kiện bằng cấp để tuyển dụng cũng cần được tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ. Khi đạt chuẩn, họ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ sự nghiệp giáo dục tại chính quê hương mình.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đang triển khai nhiều giải pháp, nhất là biệt phái giáo viên từ vùng thấp lên vùng cao, nhằm đảm bảo việc giảng dạy ở những địa bàn khó khăn.

Đồng thời, xây dựng các phương án tìm nguồn tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên môn tiếng Anh, Tin học; đặt hàng đào tạo giáo viên những bộ môn còn thiếu cho những năm học sau; xây dựng chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở vùng cao, vùng khó khăn.

Bên cạnh việc phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo cử nhân sư phạm Anh ngữ theo hình thức cử tuyển ngay tại địa phương, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đang nhờ sự hỗ trợ từ các tỉnh Nam Định, Hà Nội và Hải Phòng trong việc bố trí giáo viên dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học và THCS.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện cơ sở vật chất cho các trường học khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh máy bay thế hệ 6 của Trung Quốc được công bố.

'Bay tới từ tương lai'

GD&TĐ - "Chưa ai từng làm điều này trước đây" - các chuyên gia từ nhiều quốc gia thảo luận về máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Ông Lavrov mạnh mẽ kêu gọi giải tán NATO

GD&TĐ -Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ giải thể NATO, mà ông cho rằng, đã mất đi mục đích của nó kể từ khi Liên Xô sụp đổ.