Dạng đề mới tưởng bất ngờ nhưng không xa lạ

GD&TĐ - Sau thời gian đầu lo lắng vì chưa hiểu rõ những đổi mới với môn Ngữ văn, nhiều giáo viên và học sinh đã vui mừng, yên tâm khi biết, đó là những thay đổi có lợi, thậm chí giúp học sinh “gỡ điểm”.

Dạng đề mới tưởng bất ngờ nhưng không xa lạ

Học sinh tự tin hơn

Thi ĐH khối D nên môn Văn được em Dương Chí Thọ - Lớp 12CB1 trường THPT Chiêm Thành Tấn (Hậu Giang) ưu ái dành nhiều thời gian.

Thọ cho biết mình đã tìm hiểu và luôn cập nhật những thông tin mới nhất về đổi mới môn thi Ngữ văn.

“Thú thực, lúc đầu em cảm thấy khá lo lắng vì mơ hồ không biết cấu trúc đề thi mới ra sao. Sau, qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt những lưu ý của Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Đỗ Ngọc Thống trên báo Giáo dục và Thời đại và định hướng của giáo viên bộ môn, em yên tâm hơn nhiều.

Phần đọc hiểu 5 điểm, theo ông Đỗ Ngọc Thống, học sinh trung bình cũng có thể làm được bài. Mong rằng phần này là phần học sinh có thể gỡ điểm. 

Không chỉ em mà đa số các bạn đều phấn khởi và tin tưởng những đổi mới năm nay sẽ giúp học sinh đạt kết quả tốt trong kì thi sắp tới” - Thọ tâm sự.

Cũng hào hứng mới cách đổi mới ra đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay, học sinh Nguyễn Thị Sầu Riêng - Lớp 12CB1 trường THPT Chiêm Thành Tấn thêm tự tin trước kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

“Em thi khối C nên môn Văn đã được chuẩn bị tâm thế từ trước. Hiện, ngoài việc học ở trường, em còn đầu tư ôn luyện phương pháp, tích lũy kiến thức đã học và sưu tầm thêm những tư liệu mới. 

Em tin rằng với dạng đề mở sẽ phát huy tư duy và sáng tạo trong cách làm bài của các thí sinh và kết quả sẽ khả quan hơn” - Riêng chia sẻ.

Để thích ứng với cách ra đề thi mới và thời gian làm bài thi giảm, Riêng cho biết, hiện mình quan tâm hơn đến việc tìm hiểu những hiện tượng đời sống mang tính chất thời sự. Vận dụng những kiến thức đã học, đọc hiểu một số văn bản mới ở phần đọc thêm hoặc ngoài chương trình.

Đồng thời, chú ý hơn về cách viết cô đọng và hàm súc, biết nhấn mạnh những luận điểm chính (cấu trúc đoạn văn nghị luận); cố gắng tìm hiểu những chi tiết quan trọng, những nghệ thuật độc đáo và hình ảnh đặc sắc trong văn bản.

“Gỡ điểm” tốt nghiệp với môn Ngữ văn

Cô Nguyễn Kiều Liên - Giáo viên Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) reo lên với phóng viên sau khi “gỡ” được mối lo môn Văn thi tốt nghiệp.

“Tôi thấy tất cả vấn đề cần thiết xoay quanh môn Văn đều đã được giải đáp. Thực ra việc đổi mới như năm nay rất hay, chỉ có điều thời gian chuẩn bị hơi ít, và những em học kém môn Văn thì gặp khó khăn một chút vì các em vẫn thụ động trong việc cảm thụ văn học” - Cô Liên bày tỏ.

Đưa ra lời khuyên với những học sinh thi tốt nghiệp năm nay, theo cô Liên, trong thời gian này học sinh cần xem lại kiến thức của phần tiếng Việt, đọc nhiều và học cách tìm chủ đề, tìm ý, tìm từ ngữ diễn đạt đặc sắc trong một văn bản. Những kiến thức trên chỉ là ôn lại, vì các em đã được học rồi.

Với phần nghị luận xã hội, học sinh phải tự mình bày tỏ quan điểm trước một vấn đề chính trị trong xã hội diễn ra gần đây. Cô Liên lưu ý, để làm tốt đề thi Ngữ văn năm nay, học sinh cũng phải có kiến thức về môn Lịch sử và Địa lý nên cố gắng chú ý trang bị thêm kiến thức hai môn học này

“Nhìn chung, đổi mới nhưng vẫn nằm trong chương trình, các kiến thức học sinh đã được học. Vì vậy, thời gian này chỉ cần lượt lại là các em sẽ nhớ. Hướng dẫn các em trả lời đúng trọng tâm, ngăn gọn, tránh lan man, dài dòng” - Cô Liên lưu ý thêm.

Đề thi môn Ngữ văn năm nay có cấu trúc mới hơi bất ngờ nhưng không xa lạ - đó là nhận định của cô Trần Thị Thu Cúc - Giáo viên trường THPT Chiêm Thành Tấn (Hậu Giang).

Cô Cúc cho rằng, với dạng đề này, học sinh yên tâm bởi có thể phát huy dược tư duy sáng tạo, tự do phát biểu ý kiến của riêng mình, có thể đạt điểm khá giỏi.

Lưu ý cách học sinh ôn tập, cô Cúc nhắn nhủ học sinh trong giờ ôn tập cần chú ý nghe thầy cô ôn luyện kiến thức theo hệ thống; về nhà làm kế hoạch ôn tập theo hệ thống kiến thức đã được ôn trên lớp.

Với kỹ năng làm bài, cô Cúc lưu ý học sinh tập thói quen lập dàn ý, triển khai luận điểm chi tiết để bài không sót ý, phân bố thời gian hợp lí.

“Từ năm lớp 10, học sinh đã tích lũy tư liệu văn học (sưu tầm văn, thơ hay) nên tôi tin các em sẽ rất thoải mái tự tin khi tiếp cận với những văn bản ngoài sách giáo khoa. 

Cách ra đề như thế tuy bất ngờ nhưng thích thú. Những đề giáo viên cho ôn tập, các em nên trao đổi chia sẻ với các bạn trong ngoài lớp cùng yêu thích môn Văn để có cách làm bài tốt nhất” - Cô Cúc đưa ra lời khuyên.

Nguyễn Thị Mỹ Linh - Lớp 12C6 Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), Học sinh giỏi Văn cấp tỉnh 2013 - 2014:

Trước những đổi mới về hình thức ra đề thi tốt nghiệp môn Văn năm nay, em khá bất ngờ và vui mừng. Với cách ra dạng đề mở này, giúp chúng em tích hợp được nhiều lĩnh vực môn học và hiểu biết xã hội, bộc lộ cảm xúc riêng, khả năng tư duy logic của mỗi người.

Hơn nữa tránh tình trạng học vẹt, học khuôn mẫu, nó còn đòi hỏi biết cách chọ lọc, dẫn chứng, các kĩ năng đọc, hiểu, phân tích, trình bày, sáng tạo phù hợp với yêu cầu của đề để làm bài tốt.

Kì thi tốt nghiệp, đại học đang đến gần, để ôn thi tốt nghiệp môn văn hiệu quả hơn, các bạn nên đọc thêm những tài liệu để mở rộng kiến thức, luyện tập viết các bài văn, đoạn văn theo dạng đề trong sách, dạng đề thầy cô hướng dẫn, hoặc tra trên mạng theo dạng tích hợp kiến thức xã hội, đặc biệt theo giỏi các vấn đề thời sự đang nóng trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.