GKFX, ACX, LCM, DK Trade… đanh bạc núp bóng “chứng khoán quốc tế”

GD&TĐ - Các tổ chức trái pháp luật này thành lập sàn giao dịch tự nhận là chứng khoán quốc tế, nhưng thực tế là tổ chức đánh bạc trái phép.

GKFX, ACX, LCM, DK Trade… đanh bạc núp bóng “chứng khoán quốc tế”

Hàng trăm sàn đánh bạc trái phép dưới hình thức “chứng khoán quốc tế”

Xuất hiện lần đầu tại Việt Nam vào năm 2019, chỉ trong 3 năm, các sàn chứng khoán gắn mác quốc tế mọc lên như nấm.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và lỗ hổng của pháp luật, những sàn này đã chiêm đoạt tài sản của hàng triệu người. Về bản chất đây là những đường dây tổ chức đánh bạc trái phép ẩn dưới vỏ bọc là đầu tư chứng khoán quốc tế.

Theo những mô tả của nạn nhân, cách thức hoạt động của các sàn chứng khoán quốc tế này không khác gì một tổ chức đánh bạc. Họ sử dụng đội ngũ telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".

Những lệnh đầu tiên, sàn thường để cho nhà đầu tư thắng sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư.

Ở đây có sự phân biệt rất rõ giữa hình thức đầu tư chứng khoán phái sinh và đánh bạc trái phép. Đối với cái gọi là đầu tư ở những sàn chứng khoán giả mạo, người chơi sẽ đặt cược các mã lệnh theo hướng dẫn của một “nhân viên kỹ thuật” dựa trên chỉ số tăng/ giảm của một số loại hàng hóa, tiền tệ giao dịch.

Nếu trong khoảng thời gian nhất định, chỉ số của loại hàng hóa đó tăng thì người chơi sẽ được tiền, nếu giảm thì người chơi sẽ bị mất tiền. Hình thức này về cơ bản không khác gì cách đặt cược của trò TÀI – XỈU.

Chưa kể, những sàn lừa đảo còn có thể can thiệp trực tiếp vào tài khoản của khách hàng để rút tiền hoặc đi những lệnh lớn. Để hoạt động tại Việt Nam, chúng tồn tại dưới vỏ bọc là những Công ty Truyền thông hoặc Công ty Công nghệ, tư vấn xây dựng…

Danh sách những sàn "chứng khoán quốc tế" lừa đảo, nhà đầu tư cần chú ý

Một trong số những đường dây cờ bạc trái phép đội lốt chứng khoán quốc tế “khét tiếng” nhất tại Việt Nam đó chính là hệ thống sàn GKFX.

Hệ thống này đã “thoát xác” thành hàng trăm sàn lừa đảo như ACXFX, SEA Investing, LCM,…

Những sàn này có điểm chung là sử dụng nền tảng giao dịch MT4, MT5. Các đối tượng lừa đảo thành lập các công ty tuyển dụng, luân chuyển nhân viên khắp 3 miền Bắc – Trung. Bên trong những công ty này luôn thường trực một đội ngũ nhân viên telesales, hoạt động bí mật và bao nuôi các nhóm xã hội đen.

Khi có nhà đầu tư đến khiếu nại, chúng cho xã hội đen vây đánh. Đã có nhiều nạn nhân hai miền Nam Bắc bị chúng đánh tại sàn hoặc dàn cảnh va chạm giao thông để đánh đập, đe dọa.

Chúng không từ một thủ đoạn nào nhằm hạ thấp uy tín, danh dự, đe dọa tinh thần, thể xác của nhà đầu tư.

Khi một trong những sàn thuộc hệ thống bị cảnh báo, nhóm cầm đầu sẽ đánh sập sàn, luân chuyển nhân viên khắp 3 miền và mở sàn mới, tiếp tục đi lừa đảo và vươn vòi bạch tuộc khắp cả nước.

Nạn nhân bị xã hội đen vây đánh khi đến "sàn chứng khoán quốc tế"

Mối nguy hiểm của các tổ chức đánh bạc đội lốt chứng khoán quốc tế

Theo đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua, có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân tự nhận là công ty chứng khoán quốc tế hoặc đại diện sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hoặc tự tổ chức sàn giao dịch chứng khoán quốc tế (BE Exchange, DK-Trade, FTXtrade.com, LCM, Multibankfx…) kêu gọi, mời chào nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại chỉ số chứng khoán, hợp đồng phái sinh chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành.

Hình thức kêu gọi đầu tư phổ biến là thông qua mạng xã hội và trực tiếp điện thoại, nhắn tin, các đối tượng này hướng dẫn nhà đầu tư mở tài khoản, nạp tiền và thực hiện giao dịch thông qua các website, ứng dụng do các đối tượng này tổ chức, vận hành (MT4, MT5, Tradingview...).

Cầm đầu hệ thống lừa đảo đội lốt "chứng khoán quốc tế" là Trần Đình S. ( quê Khánh Hòa)...

Đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ rõ: "Hoạt động đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Đây là hình thức đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính".

Cũng theo thông tin từ các Cơ quan Cảnh sát điều tra và đơn từ khiếu nại của nhà đầu tư, một số đối tượng đã thực hiện can thiệp vào giá mã chứng khoán thông qua ứng dụng do các đối tượng này vận hành dẫn đến nhà đầu tư bị thua lỗ rồi lợi dụng chiếm đoạt tiền đầu tư của họ.

Hiện nay, các nhà đầu tư ở Việt Nam tham gia giao dịch, đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến dưới 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Đối với phương thức giao dịch đầu tiên, nhà đầu tư mở tài khoản trực tiếp trên website của sàn giao dịch và tự thực hiện hoạt động mua/bán chứng khoán quốc tế.

Hệ thống sàn chứng khoán lừa đảo vươn vòi bạch tuộc khắp cả nước, đẩy hàng triệu người Việt Nam vào cảnh nợ nần, trắng tay

Trong khi đó, nhà đầu tư đầu tư gián tiếp vào chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài sẽ gửi lệnh mua/bán thông qua cá nhân hoặc tổ chức tự nhận là đại diện của sàn tại Việt Nam và cá nhân/tổ chức này sẽ thay nhà đầu tư chuyển tiền, rút tiền và nhập lệnh lên sàn, thông báo lãi/lỗ, cũng như yêu cầu nhà đầu tư chuyển thêm tiền nếu tài khoản bị lỗ dẫn đến thiếu hụt tài sản ký quỹ.

"Theo quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán" - đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.

Công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, các cá nhân thực hiện hoạt động môi giới cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ cũng như được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề.

Các loại chứng khoán được phép giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được pháp luật về chứng khoán quy định và phải đáp ứng các điều kiện về niêm yết và đăng ký giao dịch trước khi được đưa vào giao dịch trên các Sở Giao dịch chứng khoán.

Theo quy định của pháp luật, đối với hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; với khung hình phạt cao nhất là 5-10 năm. Thông thường đối với những hành vi này, thường là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Vì vậy, mà mức hình phạt sẽ là rất nặng.

Đề nghị cơ quan điều tra, Bộ Công an vào cuộc làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc trái phép của các sàn giao dịch lừa đảo gắn mác “chứng khoán quốc tế” để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự xã hội.

Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ