Hệ thống 'chứng khoán quốc tế' có dấu hiệu chiếm đoạt hàng tỷ đồng của hàng nhiều nhà đầu tư trên cả nước. Hệ thống này gồm hàng trăm sàn sử dụng chung một hình thức là đều giao dịch trên ứng dụng MT4, MT5.
Trong loạt bài viết này, chúng tôi cảnh báo nhà đầu tư, các thầy cô giáo, sinh viên học sinh nếu có bị lôi kéo, dụ dỗ thì tuyệt đối không nên tham gia các sàn chứng khoán quốc tế ACXFX, SEA Investing, LCM, LITVCOIN, SHUSHI GLOBAL, LITE FOREX…và tất cả những sàn quảng bá giao dịch trên nền tảng MT4, MT5.
Ai đứng sau tổ chức ‘chứng khoán quốc tế' có dấu hiệu lừa đảo?
Xuất hiện lần đầu tại Việt Nam vào năm 2019, chỉ trong 3 năm, các sàn chứng khoán gắn mác quốc tế mọc lên như nấm. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và lỗ hổng của pháp luật, những sàn chứng khoán lừa đảo này đã chiếm đoạt tài sản của hàng triệu người với chung một thủ đoạn.
Những sàn giao dịch này “nhái” thương hiệu của các công ty môi giới chứng khoán quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh khiến nhà đầu tư bị hiểu lầm. Họ sử dụng một đội ngũ telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".
Những lệnh đầu tiên, sàn thường để cho nhà đầu tư thắng sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư.
Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.
Sau quá trình điều tra hơn 1 năm trời với sự giúp đỡ của hàng nghìn nhà đầu tư trên cả nước, bức tranh tổng thể về đường dây lừa đảo này đã hiện ra tương đối rõ ràng.
Hệ thống này có hàng trăm công ty con được thành lập dưới vỏ bọc là các công ty truyền thông, tư vấn xây dựng, máy tính – internet. Để tránh sự điều tra của các cơ quan chức năng. Họ xây dựng hệ thống chân rét khắp 3 miền, đặt trụ sở tại những tòa nhà lớn và hoạt động ẩn danh.
Theo chân của những nhà đầu tư, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở của một trong số những chi nhánh tại Hà Nội. Những công ty này bên ngoài cửa đóng, then cài, có biển cấm quay phim chụp ảnh. Thậm chí, chúng còn thuê 'giang hồ bảo kê', ngăn nhà đầu tư tiếp cận với sàn chứng khoán.
Tại trụ sở của một số sàn giao dịch như SCACX, LCM, SEA Investing…( tầng 9,10 tòa nhà 108 Nguyễn Hoàng; tầng 20,22 tòa nhà 68 Nguyễn Cơ Thạch, Hà Nội) luôn có một nhóm 'xã hội đen'. Các đối tượng này sẵn sàng xuống tay đánh đập khách hàng, nhà đầu tư đến khiếu nại. Điều này diễn ra ngay trước mắt cơ quan chức năng và ban quản lý tòa nhà. Đặc biệt, vụ việc 3 nạn nhân bị hành hung trong tháng 4 năm nay khi đến làm việc tại sàn đã được công an quận Nam Từ Liêm lấy lời khai và có giám định thương tật.
Trụ sở của các 'sàn chứng khoán' luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, không có bảng tên công ty và luôn thường trực 1 đội 'xã hội đen' sẵn sàng xuống tay với khách hàng
Trong danh sách chúng tôi điều tra được có 42 cá nhân đại diện cho 63 công ty hoạt động trái phép trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh, sử dụng phần mềm giao dịch MT4, MT5 để đánh cháy tài khoản của khách hàng.
Những cá nhân này mang nhiều quốc tịch có người Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Anh…Trong đó có 4 nhân vật quan trọng của đường dây này là L . – quản lý bộ phận miền Bắc; Trần Đ S. – quản lý khu vực miền Nam; Quách T B (xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là tài khoản nhận tiền của nhà đầu tư.
Đứng đằng sau 3 nhân vật này là một người tên NP. quản lý hệ thống chủ. Người này không trực tiếp ra mặt mà giao cho L. và Trần Đ S. quản lý.
Một số nạn nhân đã gặp trực tiếp L. và Trần Đình S. để đối chất thì được hai người này thừa nhận là quản lý của sàn.
Về ứng dụng giao dịch MT4, MT5 do một cá nhân người Nga tên là RENAT FATKHUxxx –Công ty Metaquotes Software và cộng sự phát triển. Công ty này sẽ bán quyền đại lý cho các cá nhân tại Việt Nam để mở các sàn chứng khoán lừa đảo.
Trong quá trình thâm nhập, điều tra tại Công ty TNHH LSC Media (35 Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội), phóng viên đã ghi lại được hình ảnh ứng dụng MT4, MT5 có khả năng can thiệp trực tiếp vào tài khoản của khách hàng. Điều này giải thích vì sao nhiều nạn nhân cho biết họ không giao dịch nhưng tài khoản vẫn tự động đi lệnh, rút tiền.
Với số lượng nạn nhân trên cả nước vô cùng lớn và quy mô của hệ thống chứng khoán lừa đảo này gồm hàng trăm sàn, đây chính là tổ chức lừa đảo lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh. Bên cạnh việc trực tiếp ảnh hưởng đến hàng triệu nhà đầu tư, hành vi lừa đảo này còn làm lũng đoạn nền tài chính quốc gia, ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán.
Chính vì lý do này, chúng tôi mong các cơ quan quản lý, cơ quan điều tra sớm vào cuộc truy quét, khởi tố hệ thống lừa đảo này nhằm trả lại sự công bằng cho nhà đầu tư. Những bằng chứng nhà đầu tư cung cấp và thu thập được trong quá trình điều tra, chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho cơ quan chức năng.
Danh sách các sàn chứng khoán có dấu hiệu lừa đảo
Trong quá trình điều tra dựa theo phản ánh, tố cáo của nhà đầu tư, chúng tôi đã có thông tin của 14 sàn chứng khoán có dấu hiệu lừa đảo. Bên cạnh đó danh sách của 42 cá nhân và 63 công ty sẽ được chuyển cho cơ quan chức năng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép cho 17 công ty chứng khoán sau đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán.
Dưới đây là danh sách 17 công ty đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh. Ngoài danh sách những công ty này, những đơn vị giới thiệu hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh, forex đều bất hợp pháp. Nhà đầu tư cần chú ý điều này, để tránh rơi vào bẫy của các sàn lừa đảo.
Danh sách 17 công ty hợp pháp trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Thủ đoạn của những công ty này là gắn mác các sàn chứng khoán phái sinh, nghe như là được chúng tôi cấp phép nhưng thật ra đều hoạt động bất hợp pháp.
Trong số 17 công ty được cấp phép để giao dịch phái sinh tại thị trường Việt Nam không có tên của những công ty nêu trên.
Hiện nay, theo quy định của Nhà nước các công ty chứng khoán phái sinh phải được cấp phép, nhân viên phải có chứng chỉ hành nghề mới được tư vấn cho nhà đầu tư.
Nhưng có nhiều tổ chức lừa đảo họ dựng lên những công ty hoạt động môi giới bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Mặc dù những giao dịch này là ảo nhưng người chơi nộp tiền thật và không hề biết môi giới là ai thì đó là lừa đảo.
Những đường dây này đánh vào sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư. Ban đầu họ sẽ cho nhà đầu tư có lãi nhỏ sau đó mới kêu gọi nạp vốn lớn và đánh cháy tài khoản”.
Trước những bức xúc và thống khổ của người dân, Thanh Tra Chính Phủ đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 54 tỷ đồng bằng hình thức: “Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” của Hệ thống sàn giao dịch chứng khoán giả mạo, bao gồm các sàn: Sán giao dịch chứng khoán Quốc tế ACXFX, DK Trade, ASX Market, Swissmes, Sea Investing, Bostonmex, Sco, LiteFinance, Rosystyle Wealth…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!
* Nạn nhân của hệ thống sàn chứng khoán phái sinh – Forex lừa đảo có thể cung cấp bằng chứng, đơn thư tố cáo và tài liệu gửi đến địa chỉ Tòa soạn. Hoặc gửi đơn thư tố cáo đến Cục Cảnh sát Hình sự và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An.
Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia. Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà. |