Đó là khẳng định của PGS.TSKH Bùi Loan Thùy (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM).
Thầy: Gợi mở, kích thích sự chủ động
Theo PGS.TSKH Bùi Loan Thùy, giảng viên cần giúp sinh viên tham gia tích cực vào quá trình học, cải thiện sự thụ động bằng cách:
Hướng dẫn sinh viên tư duy phản biện, cách suy nghĩ phê phán, suy nghĩ theo hướng khác, lật ngược lại vấn đề. Khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, nêu ý kiến, nghĩ ra nhiều phương pháp giải quyết vấn đề. Khuyến khích sinh viên có ý tưởng mới, chính kiến riêng và cho phép lập luận bảo vệ chính kiến đó.
Giúp sinh viên ý thức sâu sắc về việc học tập của bản thân, tìm hiểu chương trình học được sắp xếp như thế nào và vì sao lại được sắp xếp như vậy. Giúp sinh viên hiểu một cách sâu sắc về mục đích của môn học từ đó có phương pháp học cũng như thái độ học tập tích cực, phù hợp.
Ra các câu hỏi trước, yêu cầu sinh viên phải chuẩn bị trước khi đến lớp, buộc sinh viên phải vào thư viện đọc tài liệu, tra cứu trên mạng internet, thảo luận với bạn bè để tìm ra câu trả lời.
Nhiệt tình giải đáp khi sinh viên thắc mắc. Thường xuyên cập nhật thông tin mới về nội dung môn học cho sinh viên. Mở rộng và phân tích nhiều vấn đề liên quan không có trong giáo trình, gần gũi cuộc sống thực tế.
Buộc sinh viên phải liên hệ những gì đang học với những gì đã học, tìm cách áp dụng kiến thức vào thực tế, liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn. Trường hợp giữa lý thuyết và thực tiễn không ăn khớp nhau thì buộc sinh viên phải tự tìm hiểu để tìm ra câu trả lời cho chính họ, gợi mở các hướng giải quyết khi sinh viên tranh luận.
Đòi hỏi sinh viên sự tập trung cao trong lúc nghe giảng, thuyết trình, cẩn thận khi làm bài thực hành.
Tạo cho sinh viên cơ hội cộng tác và làm việc theo nhóm, giúp họ làm quen với việc hợp tác, với việc tôn trọng quan điểm của nhau, biết cách thỏa thuận, đàm phán để đạt tới mục đích chung.
Tạo hứng thú cho sinh viên đối với bài giảng bằng những câu chuyện nhỏ của thực tế, sự hài hước…
Sinh viên: Xác định rõ động cơ học tập
Hiện nay hầu hết học sinh giỏi, xuất sắc nhắm vào các ngành thời thượng; học sinh yếu hơn thì chọn các ngành có điểm chuẩn thấp hơn để cố sao đậu vào đại học nên số sinh viên thụ động thường tập trung vào các ngành này.
Để tự khắc phục sự thụ động của mình, PGS.TSKH Bùi Loan Thùy cho rằng, bản thân sinh viên cần phải xác định rõ ràng mục đích và động cơ học tập của mình ngay cả khi bản thân nhận thấy mình chưa thật phù hợp với tính chất ngành nghề đang theo học để không có thái độ buông thả trong quá trình học tập của mình.
Đồng thời, thay đổi phương pháp học "truyền thống" của sinh viên là "nghe, chép và học thuộc" bằng tích cực tham gia đóng góp xây dựng bài, phát biểu ý kiến hoặc tham gia tranh luận trong nhóm, liên hệ những kiến thức được học với thực tế, hoặc tìm cách áp dụng vào thực tế .
Trau dồi những kỹ năng học tập cần thiết, đặc biệt là kỹ năng đọc, lọc thông tin, tra cứu thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình.
Luôn đặt những câu hỏi “Tại sao?”, “Như thế nào?”. Cố gắng tìm hiểu câu trả lời cho những vấn đề mình quan tâm, thắc mắc. Mỗi khi giảng viên đặt câu hỏi, cần tích cực động não trả lời.