Trường Tiểu học Văn Chương (Hà Nội):

Giúp trò tiếp cận công nghệ, khơi dậy đam mê từ STEM

GD&TĐ - STEM giúp học sinh tiểu học được tiếp cận giáo dục trong thời đại mới và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất.

Học sinh Trường Tiểu học Văn Chương hào hứng phát biểu xây dựng bài trong giờ học STEM.
Học sinh Trường Tiểu học Văn Chương hào hứng phát biểu xây dựng bài trong giờ học STEM.

STEM giúp học sinh tiểu học được tiếp cận giáo dục trong thời đại mới và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, khơi dậy đam mê nghiên cứu, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống…theo Chương trình GDPT 2018.

STEM bám sát thực tiễn môn học

Sau năm đầu (năm học 2022 - 2023) triển khai thí điểm dạy học STEM, thầy cô và các bậc phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) đánh giá, đây thực sự là phương pháp giáo dục tích cực, mang lại hứng thú cho học sinh và thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Với sự quan tâm của lãnh đạo quận Đống Đa, năm học 2023 - 2024 trường Tiểu học Văn Chương lên kế hoạch cụ thể tiếp tục triển khai tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM - CLB. Nhà trường xây dựng 2 phòng học STEM chuyên biệt, khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất, học liệu, phần mềm tương tác trên máy tính phục vụ tốt công tác dạy và học.

Giáo dục STEM khơi gợi tính sáng tạo cho học sinh.

Giáo dục STEM khơi gợi tính sáng tạo cho học sinh.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Hoàng Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Chương cho biết, giáo dục STEM được nhìn nhận và hiểu theo nghĩa rộng, cần phải thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên.

Nhà trường đặc biệt quan tâm đến cả hai hình thức giáo dục STEM: STEM bài học và tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM - câu lạc bộ (CLB). Với bài học STEM, giáo viên thiết kế dạy học STEM trên nền các môn học theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn.

Cô Hoàng Thúy Nga nhấn mạnh, tổ chức các hoạt động giáo dục STEM của nhà trường đã bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học/hoạt động giáo dục có liên quan, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ phát triển nhận thức của học sinh và điều kiện của nhà trường.

Với học sinh, thực hiện bài học STEM các em được chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu học tập để tiếp nhận, vận dụng kiến thức thông qua thực hành thiết kế, chế tạo, thử nghiệm mẫu thiết kế…

Học sinh Trường Tiểu học Văn Chương trong một giờ học STEM.

Học sinh Trường Tiểu học Văn Chương trong một giờ học STEM.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Chương tiết lộ, sau một năm thực hiện thí điểm, năm học 2023 – 2024 nhà trường bước sang giai đoạn tiếp theo là nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục STEM bằng việc tập trung đầu tư cho hoạt động trải nghiệm STEM.

"Tổ chức các không gian trải nghiệm STEM trong nhà trường, giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá. Vì vậy, với 2 phòng học STEM được đầu tư mới giúp các em có thêm cơ hội tiếp cận STEM công nghệ từ việc học tập trên máy tính và các sản phẩm STEM được lắp ráp bằng những học liệu phong phú...", cô Nga tin tưởng.

Vượt khó để phổ cập STEM

Năm học 2023 -2024, Trường Tiểu học Văn Chương có 33 lớp học với gần 1400 học sinh. Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn học liệu, thời lượng hạn hẹp… cho hoạt động giáo dục STEM, nhưng Ban Giám hiệu và giáo viên nhà trường đã nỗ lực để hướng tới đưa hoạt động trải nghiệm STEM đến với 100% học sinh nhà trường.

Cơ sở vật chất khang trang điều kiện tốt để Trường Tiểu học Văn Chương triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Cơ sở vật chất khang trang điều kiện tốt để Trường Tiểu học Văn Chương triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Vì vậy, Trường Tiểu học Văn Chương đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của việc triển khai dạy học STEM nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Qua đó, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh để có kế hoạch triển khai dạy học trải nghiệm STEM - CLB khi bước vào năm học mới trên tinh thần tự nguyện đăng ký.

"Các buổi học STEM trong tháng 9 và tháng 10 này đang trong quá trình thử nghiệm và chưa thu tiền. Nhà trường cho học sinh trải nghiệm với mong muốn tất cả học sinh được tiếp cận kho học liệu tốt nhất. Hết tháng 10, sau khi nắm bắt được số lượng học sinh đăng kí, nhà trường sẽ sắp xếp thời khoá biểu vào ngoài giờ học chính khóa. ", cô Nga chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Chương cũng tiết lộ, dự kiến học sinh được tham gia 1 tiết học STEM/tuần với mức phí là 40.000 đồng, tuy nhiên đây chỉ là con số dự kiến. "Nhà trường họp với đại diện cha mẹ học sinh, đơn vị liên kết và tiến hành lấy ý kiến của cha mẹ học sinh (CMHS) nếu CMHS thống nhất, nhà trường mới có kế hoạch cụ thể lớp học liên kết STEM...", nữ Hiệu trưởng cho hay.

Trường Tiểu học Văn Chương triển khai hiệu quả thí điểm giáo dục STEM trong năm học 2022 -2023.

Trường Tiểu học Văn Chương triển khai hiệu quả thí điểm giáo dục STEM trong năm học 2022 -2023.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Trịnh Đan Ly - Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa cho biết, Văn Chương là một trong 10 trường của TP Hà Nội thí điểm STEM cấp tiểu học. Trước khi triển khai, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa, Ban Giám hiệu, giáo viên cốt cán đã được giới thiệu, tập huấn về tầm quan trọng của giáo dục STEM, cơ chế thực hiện, các văn bản chỉ đạo và cách thức thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường nhằm phát triển phẩm chất, năng lực theo mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Đồng thời phân tích để cán bộ quản lý và giáo viên các trường Tiểu học nắm rõ việc xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và triển khai tốt văn bản số 909 của Bộ GD&ĐT (ngày 8/3/2023) về hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục.

"Sau 1 năm triển khai bài học STEM, học sinh thêm sáng tạo, mạnh dạn, tự tin và hào hứng trong học tập. Mỗi giờ học STEM đã hiện thực hóa việc học đi đôi với thực hành, kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong hoạt động dạy học ở nhà trường. Qua dự giờ và tổng kết năm học, Phòng đánh giá Trường Tiểu học Văn Chương đã bước đầu hiểu và triển khai dạy học STEM hiệu quả, theo đúng tinh thần Chương trình GDPT 2018...", bà Trịnh Đan Ly nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.