Động lực cho học sinh nghèo
Cô Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đối với các chính sách, chế độ của học sinh dân tộc thiểu số nhà trường luôn thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, còn phối hợp với các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, phụ huynh học sinh để hỗ trợ, tăng các điều kiện về vật chất, nâng cao tinh thần từ đó giúp học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Ngoài ra, nhà trường xây dựng các quỹ khuyến học; tổ chức các chương trình tiếp bước học sinh đến trường nhằm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn như “Vòng tay nhân ái”, “Tết ấm yêu thương”, “Chăn ấm mùa đông”, “Tiếp sức mùa thi”...
Với những gia đình có nguy cơ cho con em bỏ học, giáo viên nhà trường sẽ đến từng nhà phân tích, tư vấn, động viên nhằm xóa bỏ trong các em suy nghĩ bỏ học, thấy được hiệu quả ý nghĩa của học tập trong việc hướng đến tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh làm công tác “tư tưởng”, tinh thần với học sinh, nhà trường còn kêu gọi hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ về mặt vật chất (dù ít) trong các chuyến thăm hỏi, động viên dịp lễ, tết đối với với học sinh dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ bỏ học cao.
Từng giáo viên, nhân viên nhà trường luôn thấu hiểu tâm tư, hoàn cảnh để từ đó gần gũi, quan tâm, chia sẻ với học sinh khó khăn. Không dừng lại ở đó, còn giáo dục học sinh trong mọi hoàn cảnh điều kiện khác nhau cùng gắn bó, đoàn kết, quan tâm, chia sẻ trong cả học tập và ngoài cuộc sống... Từ đó, xây dựng môi trường đoàn kết, thân thiện, tạo động lực, sự gắn bó để học sinh cảm thấy hào hứng, yêu trường lớp từng ngày.
Hiện nay, Trường THPT Cao Lộc cũng tổ chức chương trình “Mẹ đỡ đầu”, theo đó nhà trường đang nhận đỡ đầu học sinh Hoàn Thị Thanh Tuyền, lớp 11 A4 trong thời gian học tại trường. Theo đó, mỗi tháng nhà trường sẽ hỗ trợ Tuyền 1 triệu đồng giúp em trang trải cuộc sống.
Đồng thời, nhà trường cũng yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hỗ trợ tối đa cho Tuyền trong học tập để nữ sinh này an tâm học tại trường và theo đuổi ước mơ của mình.
“Chúng tôi luôn đặt quyền lợi học tập của học sinh lên hàng đầu. Bởi vậy mỗi học sinh khi đến trường luôn được tạo tâm thế thoải mái, khi gặp khó khăn có thể chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hay Ban giám hiệu nhà trường để từ đó tìm cách tháo gỡ. Không để học sinh nào phải lạc lõng hay cảm thấy một mình phải đối diện cùng thách thức…”, cô Minh Thu trao đổi.
Bên cạnh đó, để đa dạng các hoạt động học tập cho học sinh Trường THPT Cao Lộc, hàng năm nhà trường tổ chức nhiều cuộc thi, hoạt động phong trào để tạo điều kiện cho học sinh được tham gia và thể hiện năng lực cá nhân như tổ chức cuộc thi “Đường lên Olympia” vào giờ chào cờ hàng tuần; tổ chức các hoạt động ngoại khoá; hoạt động văn nghệ, thể thao; giáo dục kỹ năng sống...”, cô Thu cho biết thêm.
Hỗ trợ vật chất, chia sẻ tinh thần để học trò có điểm tựa vững chắc trong học tập, cuộc sống. |
"Hũ gạo tình thương" cho trò nghèo
Nhiều năm qua, một trong những hoạt động được học sinh, phụ huynh tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hưởng ứng tích cực chính là phong trào “Hũ gạo tình thương”.
Theo bà Hà Thị Khánh Vân, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn: Phong trào “Hũ gạo tình thương” được Ngành giáo dục đào tạo tỉnh Lạng Sơn phát động và triển khai thực hiện từ năm học 2018 -2019, đến nay đã bước sang năm thứ 5.
Hàng năm các cơ sở giáo dục phát động, vận động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường, các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường đóng góp trên tinh thần tự nguyện.
Với nguồn kinh phí có được đã hỗ trợ cho học sinh, giáo viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị bệnh dài ngày… Hướng tới mục tiêu “không để bất cứ học sinh nào phải bỏ học vì khó khăn, giáo viên nào phải vất vả mà ảnh hưởng đến công tác”.
Bà Hà Thị Khánh Vân cho biết: Hàng năm phong trào “Hũ gạo tình thương” đã huy động được khoảng 3 tỉ đồng, trên 30 tấn gạo và nhiều hiện vật phục vụ học tập cho học sinh như máy tính, ti vi thông minh, chăn, quần áo ấm, sách vở...
Đến nay phong trào “Hũ gạo tình thương” đã trở thành hoạt động thường niên trong tất cả các cơ sở giáo dục, giúp đỡ học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần rất lớn cho việc tăng tỉ lệ huy động học sinh ra lớp; nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, đông học sinh dân tộc.
“Phong trào “Hũ gạo tình thương” đã tạo nên một hiệu ứng tốt đẹp trong xã hội, lan tỏa tình yêu thương, tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng và sự sẻ chia đến những học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm ý nghĩa không chỉ đối với cộng đồng mà qua đó góp phần giáo dục giá trị nhân văn cao cả đến học sinh nói chung và học sinh dân tộc nói riêng…”, bà Hà Thị Khánh Vân cho biết.