(GD&TĐ) - Ly hôn là một biến động buồn và làm cuộc sống của mỗi con người bị xáo trộn khủng khiếp và nạn nhân chính là con cái họ. Để giúp trẻ vượt qua những khó khăn khi cha mẹ li hôn, cha mẹ cần hiểu được những ảnh hưởng tới con cái khi cha mẹ li hôn và cách khắc phục những ảnh hưởng đó với trẻ. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn có thể làm để tạo ra một mối quan hệ hợp tác nuôi dạy con cái tích cực và hài hòa với người chồng (vợ) cũ của bạn.
1. Hãy để ly hôn là sự kết thục mọi cuộc xung đột
Bằng cách này, có nghĩa là một khi bạn đã thực hiện các quyết định ly hôn, chấp nhận nó, thì bạn không nên hồi tưởng lại quá khứ đau buồn ấy hoặc tìm cách trả thù người kia. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào bạn, con bạn và cuộc sống mới để đầu tư thời gian, chú ý cải thiện tình hình hiện tại của bạn. Bằng cách này bạn đã chứng minh cho con của bạn thấy rằng bạn có thể chấp nhận những rủi ro, bất trắc của cuộc sống, những thách thức phải đối mặt, vượt qua những trở ngại, và tạo cho bạn và con một cuộc sống mới.
2. Hãy cho trẻ biết rằng chúng vẫn còn một gia đình dù cha mẹ không còn sống trong cùng một mái nhà
Trước hết, để giúp con tổn thương ít nhất, cả bố và mẹ đều phải bắt tay cộng tác trong vấn đề này. Nếu chỉ một người cố gắng giúp con an tâm thì tỉ lệ thành công rất nhỏ.
Cả hai bố, mẹ cần đảm bảo chắc chắn rằng:
- Vẫn là bố mẹ của con.
- Vẫn chăm sóc các con.
- Vẫn đề ra quy tắc cho con, nếu bố mẹ thấy cần thiết.
- Vẫn bảo vệ con khỏi những tác nhân xấu của xã hội và cuộc sống.
- Vẫn phải làm theo một số quy tắc sống của gia đình.
Không những là chỗ dựa vững chắc, bố mẹ còn cần duy trì tình yêu thương, sự hỗ trợ con cái, ở bên con suốt cuộc đời. Thái độ tích cực của cha mẹ là trấn an trẻ, giải thích cho trẻ hiểu việc ly dị là chấm dứt cuộc sống chung giữa 2 vợ chồng. Tuy nhiên, họ vẫn là cha mẹ của con cái nên vẫn tiếp tục yêu thương, chăm sóc con cái.
Ly dị phải dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Nghiên cứu cho thấy, con trẻ có thể sống vui hơn nếu chúng biết rằng, mặc dù bố mẹ không còn chung sống nhưng vẫn đối xử với nhau trên tinh thần tôn trọng và lịch sự. Nên tạo điều kiện cho người còn lại có cơ hội được gần gũi, yêu thương và chăm sóc trẻ.
3. Không nên mắng chửi hay nói xấu người còn lại trước mặt trẻ
Đối với một số trẻ, khi cha mẹ mâu thuẫn, chúng chứng kiến các cuộc mâu thuẫn của cha mẹ, chúng phát hiện ra cha hoặc mẹ chúng có hành động sai và qua những lời mắng chửi của cha với mẹ, rồi chúng không chấp nhận được điều đó. Tệ hại hơn, có những cha mẹ còn cố tình khắc sâu vào trong tâm trí con trẻ những ý nghĩ thù hằn, ghét bỏ và xa lánh người kia; đùn đẩy nhau không nhận trách nhiệm nuôi con. Những điều này ảnh hưởng không tốt đến tinh thần, xúc cảm, tình cảm và tương lai của trẻ.
4. Cha (mẹ) không bao giờ gửi tin nhắn thông qua các con
Có thể bạn không muốn giáp mặt người cũ hoặc không muốn nói chuyện qua điện thoại vì nguyên nhân nào đó, nhưng cũng đừng ỉ lại vào con mà nhờ chúng báo cho người kia những vấn đề bạn cần. Bạn hãy viết mail, gửi tin nhắn...Chẳng hạn: nếu bạn cảm thấy rằng năm nay đã đến lượt cha chuẩn bị sinh nhật con bởi vì bạn đã luôn luôn thực hiện nó, thì hãy tự mình nói cho anh ta. Đừng để những đứa trẻ ở giữa. Chúng sẽ chỉ cảm thấy khó xử, không thoải mái.
5. Hãy nhớ rằng trẻ con không phải là con tốt trong trò chơi với người còn lại
Không nên bắt con phải lựa chọn hoặc mẹ hoặc bố. Cho phép trẻ được thăm viếng cha/mẹ một cách thoải mái chứ đừng gây áp lực cho trẻ như "nếu con tiếp tục thăm bố con, thì con qua bên đó ở luôn đi" hoặc "mẹ sẽ cô đơn kinh khủng trong khi con qua ở với bố". Người lớn không nên bắt con cái trở thành nạn nhân của cuộc chiến hay sự ganh tị giữa 2 người đã ly dị, để làm cho đời sống của trẻ đau khổ.
Linh Linh