Bước vào môi trường học tập với yêu cầu mới, cha mẹ cần trang bị cho con khả năng thích ứng như sự chủ động, tự tin, dễ hòa nhập, thích thú đến trường…
Để lớp Một thôi ngơ ngác
Nhiều năm liền làm công tác chủ nhiệm lớp Một, cô Phan Thị Hồng Trang - giáo viên Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: Tập cho trẻ thích nghi với bữa ăn bán trú cũng khiến giáo viên mất khá nhiều thời gian. Vừa từ mẫu giáo lên tiểu học, các em chưa quen với nền nếp sinh hoạt, học tập tại trường nên thời gian đầu của mỗi năm học, cô giáo phải nhắc từng việc dù là nhỏ.
Nhiều khi cô đang giảng bài, chỉ cần có một em xin đi vệ sinh, những em khác cũng xin đi theo. Dù cô biết chắc chắn nhiều em không có nhu cầu nhưng không thể trách mắng hay ngăn cản. Khi các em trở về vị trí ngay ngắn, cô giáo mới giải thích và nhắc nhở để các em nhớ lần sau sẽ đi vệ sinh, uống nước vào giờ ra chơi. Thậm chí có học sinh gặp lại bạn học chung lớp mẫu giáo, được bạn rủ qua lớp mình học cùng, thế là đi theo bạn luôn, làm các thầy cô nhớn nhác đi tìm.
Cô Lê Thị Minh Tâm - giáo viên Trường Tiểu học Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) thường tranh thủ thời gian học sinh ngủ trưa để kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của các em.
Cô Tâm chia sẻ: “Không phải phụ huynh nào cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết cho con. Em nào thiếu thứ gì thì mình viết giấy kẹp ngoài bìa vở để phụ huynh bổ sung thêm” - cô Tâm cho biết. Các con thường hay quên hoặc truyền đạt không chính xác những gì cô giáo dặn dò. Thế nên cuối mỗi ngày, vừa giao nhiệm vụ cho học sinh nhưng cô Tâm cũng phải thông báo thêm vào nhóm để phụ huynh nắm được.
Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) từng có trường hợp học sinh lớp Một cứ vào đến cổng trường là khóc. Hôm nào, phụ huynh cũng phải “cưỡng chế” con từ xe vào đến lớp học. Thậm chí, có những hôm cha mẹ phải đầu hàng vì con quyết liệt chống cự.
Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường, kể: “Cả cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu phải vào cuộc, tìm đủ mọi cách để biết được lý do vì sao ngày nào trò cũng khóc. Phải mất một thời gian trẻ mới cho biết mình không thích, thậm chí là sợ đi học”.
Giải pháp được nhà trường đưa ra là học sinh này học tại phòng cô Hiệu trưởng để quen dần với không khí trường lớp, sau đó chuyển về lớp học chung với các bạn.
Trẻ cần được chuẩn bị các kỹ năng thích ứng với môi trường học đường khi chuyển từ giai đoạn chơi là chủ yếu sang học là chủ yếu. Ảnh: TG |
Chuẩn bị đúng và đủ
Theo cô Lê Thị Minh Tâm, nhiều phụ huynh chuẩn bị kỹ năng cho trẻ vào lớp Một bằng cách cho học trước chương trình. “Đúng là nếu trẻ viết, đọc thành thạo thì cô giáo sẽ rất nhàn. Nhưng nhàn việc dạy thì lại rất vất vả trong duy trì nền nếp và hình thành thói quen tập trung cho trẻ. Vì các em biết đọc, biết viết rồi thường có tâm lý chủ quan, lơ là”, cô Tâm cho biết.
Với Chương trình GDPT 2018, việc dạy – học đã dựa trên phẩm chất – năng lực của học sinh nên giáo viên sẽ có phương pháp dạy phù hợp với nhóm đối tượng. Vì vậy, theo cô Tâm, về mặt kiến thức, chỉ cần trẻ nhớ được bảng chữ cái và số đếm, tập tô và viết được các nét đơn giản là đủ để trẻ tự tin vào lớp Một.
Theo kinh nghiệm của cô Minh Tâm, học sinh lớp Một thích ứng với môi trường mới nhanh hay chậm một phần phụ thuộc vào sự phối hợp của phụ huynh. Ngay từ đầu năm học, cô Tâm sẽ tìm hiểu tâm tính của từng em thông qua phụ huynh để có thêm kênh thông tin. Với học sinh cá tính, cô Tâm trao đổi thêm với phụ huynh để cùng điều chỉnh cho các em. “Phụ huynh tích cực phối hợp với cô giáo thì học sinh nhanh chóng thích ứng và chăm ngoan hơn”, cô Tâm nói.
Có cùng nhận xét, cô Ông Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: Việc phụ huynh chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng để thích ứng với môi trường học tập mới ở tiểu học vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, tự phục vụ các nhu cầu tối thiểu của bản thân, sự chủ động, cách thiết lập quan hệ với bạn, thầy cô, khả năng diễn đạt… Trẻ phải nói năng lưu loát, có thể kể được những câu chuyện ngắn, tỏ ra tự tin khi trò chuyện với người lớn.
Cô Trần Thị Tường Vi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai - nhắn nhủ: “Khi trẻ chuẩn bị vào lớp Một, bố mẹ nên trò chuyện về việc con sẽ chuyển sang trường mới; đặc điểm trường đó thế nào, thậm chí, nếu thuận tiện đưa trẻ đến tham quan ngôi trường mà con sẽ học, chỉ cho trẻ lớp học, bàn ghế, bảng... giải thích cho trẻ biết sẽ được học thế nào ở đó. Bố mẹ có thể mua trước một số sách vở, dụng cụ học tập lớp Một, cho trẻ làm quen và dạy cách thức giữ gìn những vật dụng đó”.
“Cha mẹ nên giới thiệu những điều tích cực, thú vị ở trường tiểu học, thay vì dọa nạt là trường học rất khó, không học là cô giáo phạt… sẽ làm trẻ lo lắng, sợ hãi không muốn đến trường. Để trò có thể thích ứng nhanh với nền nếp của trường tiểu học, cha mẹ có thể trò chuyện mỗi ngày bằng các câu chuyện kể liên quan đến môi trường học đường như: Giữ trật tự trong lớp; giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài… Phụ huynh có thể rèn luyện sự tập trung bằng cách yêu cầu trẻ làm một số nhiệm vụ nào đó như vẽ tranh, tô màu; ngồi trên bàn học ngay ngắn trong khoảng thời gian 30 - 45 phút. Điều này sẽ làm tăng sự tập trung chú ý, có ích cho trẻ khi vào lớp Một. Việc chuẩn bị cho trẻ một góc học tập ở nhà và cùng trang trí góc học tập theo sở thích cũng rất cần thiết”. - Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (Đà Nẵng)