Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập

GD&TĐ - Phụ huynh có con tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường xung quanh. Nhiều trẻ gặp khó khăn trong tương tác xã hội...

Trẻ em có nhu cầu đặc biệt cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với hoàn cảnh mới. Ảnh minh họa: INT.
Trẻ em có nhu cầu đặc biệt cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với hoàn cảnh mới. Ảnh minh họa: INT.

Các chuyên gia đã nêu một số cách mà cha mẹ có thể giúp con tự kỷ thích nghi với môi trường xung quanh.

Phát triển kỹ năng xã hội

Một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm là để con phát triển các kỹ năng xã hội. Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, như nhập vai vào các tình huống xã hội, dạy trẻ cách đọc ngôn ngữ cơ thể và cung cấp sự củng cố tích cực khi bé thể hiện các hành vi xã hội phù hợp.

Mặc dù có thể khó khăn, nhưng việc giúp con rèn luyện các kỹ năng xã hội có thể khiến trẻ tương tác tốt hơn với người khác và thoải mái hơn trong môi trường mới.

Điều quan trọng là phải bắt đầu sớm. Bởi, khi cha mẹ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội sớm, trẻ sẽ thành công trong việc thích nghi với môi trường xung quanh.

Sử dụng hỗ trợ trực quan

Phụ huynh có thể sử dụng các hỗ trợ trực quan như ảnh chụp, ký hiệu và lịch trình để giúp dạy trẻ tự kỷ cách điều hướng trong môi trường mới. Các công cụ trực quan này có thể giúp trẻ hiểu rõ hơn những gì được mong đợi ở mình trong một tình huống nhất định. Ví dụ, nếu đưa trẻ đến cửa hàng tạp hóa lần đầu tiên, việc cung cấp lịch trình trực quan về các mặt hàng sẽ mua có thể giúp bé hiểu những gì đang diễn ra.

Hỗ trợ trực quan cũng có thể được sử dụng để giúp trẻ bình tĩnh lại và kiểm soát hành vi của mình trong những tình huống mới.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể là yếu tố chính đối với trẻ tự kỷ. Khi nói đến việc thích nghi với môi trường, việc giảm căng thẳng là điều quan trọng đối với cả trẻ và cha mẹ.

Cha mẹ có thể thực hiện bằng cách cung cấp một môi trường có thể dự đoán trước và bình tĩnh, hạn chế kích thích giác quan. Đồng thời, đảm bảo rằng, trẻ có thể tiếp cận với các hoạt động hoặc đồ vật yêu thích của mình.

Ngoài ra, việc cho trẻ nghỉ ngơi trước khi bước vào một tình huống mới có thể giúp bé cảm thấy thoải mái hơn với sự thay đổi của môi trường.

bien phap giup tre tu ky hoa nhap (2).jpeg
Nuôi dạy trẻ tự kỷ có thể khó khăn, nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải kiên nhẫn và động viên con. Ảnh minh họa: INT.

Nói về những trải nghiệm mới

Khi lên kế hoạch cho một trải nghiệm mới của trẻ tự kỷ, điều quan trọng là phụ huynh phải nói trước về điều đó. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được những gì đang diễn ra và chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra. Đồng thời, cho trẻ biết những gì bé có thể làm để tự giúp mình nhằm giảm mức độ căng thẳng của trẻ và khiến trải nghiệm trở nên tích cực hơn.

Và điều quan trọng là cha mẹ cần đề cập với trẻ về việc, cảm giác lo lắng hoặc choáng ngợp trong môi trường mới là điều bình thường. Tất cả đều là một phần của quá trình học tập.

Vượt qua các vấn đề về giác quan

Những người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) thường có các vấn đề về giác quan. Điều này có nghĩa là trẻ có thể quá nhạy cảm với một số âm thanh, mùi, kết cấu hoặc ánh sáng nhất định.

Trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin từ các giác quan của mình. Thế nên, hãy cố gắng tạo ra cho trẻ một môi trường bình tĩnh và có thể dự đoán được. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy có thể kiểm soát được nhiều hơn.

Phụ huynh cũng có thể giúp con bằng cách cung cấp đầu vào giác quan. Có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thông qua xúc giác, chuyển động, âm thanh hoặc mùi.

Cuối cùng, hãy đảm bảo con được vận động và nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này sẽ giúp trẻ điều chỉnh đầu vào giác quan và cảm xúc của mình.

Dạy các chiến lược đối phó

Các chiến lược đối phó sẽ giúp trẻ đương đầu với cảm giác lo lắng và choáng ngợp có thể xuất hiện khi ở trong một tình huống mới hoặc không quen thuộc.

Cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách dạy trẻ bài tập thở sâu hoặc thiền. Phụ huynh cũng có thể cung cấp cho trẻ một số công cụ đối phó, như đồ vật an ủi, để giúp bé xử lý cảm xúc của mình.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải rèn luyện các kỹ năng giải quyết vấn đề để trẻ có thể học cách xử lý các tình huống khó khăn.

bien phap giup tre tu ky hoa nhap5.jpg
Cha mẹ nên cố gắng giữ cho môi trường và lịch trình hằng ngày nhất quán nhất có thể. Ảnh minh họa: INT.

Kiên nhẫn và hỗ trợ

Nuôi dạy trẻ tự kỷ có thể khó khăn, nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải kiên nhẫn và động viên con. Nhiều trẻ tự kỷ phản ứng tốt với sự củng cố tích cực. Vì vậy, hãy chắc chắn khen ngợi con khi trẻ thể hiện những hành vi phù hợp.

Cố gắng không nản lòng nếu trẻ gặp trở ngại. Thay vào đó, hãy tập trung vào sự tiến bộ mà trẻ đã đạt được. Với thời gian và sự kiên nhẫn, cha mẹ sẽ có thể giúp con mình thích nghi với môi trường. Điều này không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn giúp phụ huynh và trẻ phát triển một mối quan hệ bền chặt.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Nếu lo lắng con mình đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường, việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp có thể là cần thiết.

Một nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học có thể hướng dẫn cách tạo ra một môi trường hỗ trợ và an toàn cho trẻ. Họ cũng có thể gợi ý các kỹ thuật giúp quá trình thay đổi dễ dàng hơn, chẳng hạn như phát triển thói quen hằng ngày hoặc tạo ra tín hiệu trực quan.

Ngoài ra, các chuyên gia có thể cung cấp hỗ trợ và các nguồn lực để giúp cha mẹ và trẻ đối phó với những thay đổi.

Giảm yêu cầu với con

Theo bà Serra Langone - Giám đốc lâm sàng của Trung tâm May về Chấn thương não và Rối loạn thần kinh hành vi tại Norwood, Mass (Mỹ), có nhiều cách khác nhau để giúp trẻ tự kỷ thích nghi với môi trường. Điều quan trọng là cha mẹ phải kiên nhẫn, sáng tạo và linh hoạt.

Chuyên gia này cho biết, cha mẹ nên cố gắng giữ cho môi trường và lịch trình hằng ngày nhất quán nhất có thể. Ví dụ, nếu chuyển đến một ngôi nhà mới ở khu phố khác, hãy cố gắng đặt những món đồ yêu thích của con như đồ chơi, sách và thậm chí là đồ nội thất ở một nơi quen thuộc.

Trẻ em có nhu cầu đặc biệt có thể được hưởng lợi từ sự thoải mái mà “sự giống nhau” mang lại. Điều này bao gồm sự giống nhau về thói quen và truyền thống gia đình.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể áp dụng phương pháp tăng phần thưởng; giảm yêu cầu. Việc chuyển đổi từ hoạt động hoặc bối cảnh này sang hoạt động hoặc bối cảnh khác thường có thể là thách thức đối với những trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Để giúp giảm bớt sự nhầm lẫn và các thách thức về hành vi khác xung quanh những lần chuyển đổi này, cha mẹ nên tăng cường sự củng cố - chẳng hạn như khen ngợi bằng lời nói, đồ ăn nhẹ và giờ nghỉ - trong khoảng một tuần đầu tiên thay đổi.

Nếu trẻ có hành vi bất thường sau khi trải qua một thay đổi lớn, cha mẹ có thể giảm bớt áp lực ở nhà bằng cách giảm danh sách việc nhà. Đồng thời, cho con nhiều thời gian hơn để thư giãn, khám phá môi trường mới và vui chơi.

Ngay cả khi không có thêm căng thẳng cùng sự thay đổi lớn, trẻ em có nhu cầu đặc biệt vẫn có thể bị khủng hoảng. Trong trường hợp đó, cha mẹ cần áp dụng những kỹ thuật giảm căng thẳng như giúp con bình tĩnh, loại bỏ hoặc giảm các tác nhân kích thích giác quan, như tiếng ồn lớn, đèn nhấp nháy và nhiệt độ khắc nghiệt.

“Trẻ em có nhu cầu đặc biệt cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với hoàn cảnh mới so với trẻ em phát triển bình thường. Hãy kiên nhẫn và biết rằng, cha mẹ có thể cần phải giải quyết một số hành vi đầy thách thức trong thời gian con thích nghi. Dù đó là làm quen với một ngôi trường mới, chào đón một em bé mới sinh hay chuyển đến một thị trấn khác, thì việc đối phó với sự thay đổi đều khó khăn đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, với sự lên kế hoạch cẩn thận, giải thích nhiều, sự nhất quán, kiên nhẫn và thấu hiểu, phụ huynh có thể giúp con mình vượt qua những thay đổi chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc sống”, chuyên gia Serra Langone cho biết.

Theo Mklibraby; May Institute

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin tức báo in 27/9:

Tin tức báo in 27/9:

GD&TĐ - Tổng hợp tin bài mới và hay nhất trên báo giấy Giáo dục và Thời đại số 233 ngày 27/9/2024.

Minh họa/INT.

AI và sự mất mát

GD&TĐ - Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà văn lớn đã dự báo về sự hủy diệt mà máy móc dành cho con người.