Chả hiểu con giống ai
Nhiều phụ huynh thường tâm sự mặc dù mình luôn dạy con phải biết chia sẻ với những người xung quanh, nhưng không hiểu tại sao nhiều khi con thường ích kỷ và không muốn chia sẻ bất cứ thứ gì cho người khác. Chị Ngọc Lan ở Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự, chị rất phiền lòng khi thấy cậu con trai lớn năm nay đã lên 8 tuổi mà vẫn không chịu nhường nhịn em gái kém mình tới 5 tuổi. Mỗi khi có gì ngon cháu thường xí phần nhiều cho mình mà ít quan tâm tới phản ứng của mọi người xung quanh.
Chơi với các bạn trong xóm, cháu thường tìm cách lấn lướt để giành phần thắng về mình. Đồ chơi của bạn cháu tìm mọi cách để mượn bằng được, nhưng mỗi khi các bạn tỏ ý muốn được chơi chung thì cháu lại tìm mọi lý do để trì hoãn. Không những thế thỉnh thoảng thấy bạn nào ở lớp có món đồ mới cháu lại tìm cách mang về nhà… Mặc dù anh chị đã khuyên răn nhưng dường như cu cậu không thay đổi là mấy. Chị rất lo nếu cháu không thay đổi tính nết thì khó có thể được bạn bè quý mến.
Cha mẹ thường có xu hướng coi niềm vui và thành tựu của con cái quan trọng hơn việc con có biết quan tâm đến người khác hay không. Chính vì vậy, vô hình trung cũng tạo cho trẻ có thói quen luôn thích thỏa mãn bản thân mà ít quan tâm tới người khác. Thậm chí rất nhiều cha mẹ tự hào thái quá việc con mình đạt được thành tích nào đó.
Chính những biểu hiện này đã tạo cơ hội cho trẻ cố gắng bằng mọi giá chỉ vì sự hơn thua. Cho nên ngay từ nhỏ trẻ cần phải học cách cân bằng nhu cầu của bản thân mình với nhu cầu của người khác. Nên nếu con bạn giữ cam kết làm một người tốt cho dù chúng phải gạt đi hạnh phúc của riêng mình, bạn nên ngợi khen và động viên con.
Tạo nếp ngay từ nhỏ
Trẻ nhỏ đều có xu hướng muốn được trở thành trung tâm của sự ưu tiên trong gia đình, như việc muốn được cha mẹ luôn tay vỗ về, ôm ấp. Trẻ lớn hơn chút nữa có nhu cầu sở hữu những đồ vật riêng và không muốn người khác đụng đến. Đặc biệt nhóm trẻ quen được nuông chiều sẽ có thói quen vòi vĩnh, mè nheo, ăn vạ khi không được đáp ứng nhu cầu ngay lập tức. Song trẻ sẽ học những giá trị đạo đức qua việc quan sát hành động của những người lớn. Là một người thầy hướng dẫn và là tấm gương đạo đức tốt cho con cái đồng nghĩa với chúng ta cũng phải thực hành đức tính trung thực, công bằng, quan tâm đến mọi người quanh mình. Cho nên cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ.
Để rèn luyện cho trẻ đức tính sống không ích kỉ, cha mẹ nên dạy bé ngay từ nhỏ bằng cách khuyến khích con biểu lộ sự quan tâm, chia sẻ với người khác, cho trẻ thấy việc chia sẻ mang lại niềm vui như thế nào. Theo TS Nguyễn Trọng Tiến - Chuyên gia tham vấn tâm lý Trung tâm iSmartKids: Cha mẹ hãy bắt đầu dạy cho trẻ biết quan tâm chia sẻ với mọi người trong các việc nhỏ hàng ngày từ việc dạy trẻ chuẩn bị đũa bát cho cha mẹ, anh chị trong bữa ăn, lấy đồ ăn cho mọi người. Khuyến khích con tham gia các trò chơi có tính tập thể, cần sự kết hợp của các bạn, để trẻ thấy việc chơi cùng các bạn rất vui. Cha mẹ dành thời gian cùng trẻ làm một số việc đơn giản như cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, vo gạo, nhặt rau, đi chợ mua đồ cho mọi người. Cha mẹ có thể tổ chức mời bạn bè nhỏ của con đến chơi cùng con, để bé có cơ hội chia sẻ đồ chơi với các bạn.
TS Nguyễn Trọng Tiến cũng cho rằng, các bậc phụ huynh cũng đừng nóng giận khi trẻ tỏ ra ích kỷ. Nếu thấy biểu hiện ích kỉ của con, cha mẹ đừng vội nóng giận mắng mỏ trẻ. Việc trẻ muốn giữ riêng một vài đồ chơi cho riêng mình là hành động bình thường. Trong trường hợp trẻ khư khư không chịu chia sẻ bất kì thứ gì với bạn bè, lúc đó cha mẹ nên chọn cách giải thích cho trẻ biết bạn của bé đang cảm thấy thế nào. Cha mẹ có thể đặt tình huống cho con ví dụ như: Nếu bạn của con có búp bê rất đẹp, mà con chỉ muốn chạm vào em, hoặc bế một chút, nhưng bạn không cho con chơi cùng, con có thấy buồn không?… Thông qua cách hỏi đáp, trẻ sẽ dần nhận ra vấn đề và sẽ dần cởi mở hơn trong việc chia sẻ đồ chơi với bạn bè.