Giáo dục ý nghĩa ngày Tết cổ truyền cho trẻ

GD&TĐ - Tết cổ truyền rất quan trọng với người Việt Nam, phong tục Tết có những điều thú vị khiến các em tò mò. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên dành thời gian dạy bé hiểu về Tết cổ truyền và những phong tục tập quán của người Việt Nam, để từ đó các em biết trân trọng, yêu quê hương đất nước hơn.

Giáo dục ý nghĩa ngày Tết cổ truyền cho trẻ

Cho trẻ trải nghiệm

Những tuần học trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường thường có chương trình học giúp bé tìm hiểu phong tục ngày Tết như khám phá các trò chơi dân gian, món ăn ngày Tết, gói bánh chưng, làm thiệp, viết câu đối, thi sắp xếp mâm ngũ quả đẹp, tổ chức các trò chơi dân gian, gói bánh chưng gửi tặng các bạn nghèo vùng cao... Những hoạt động ấy lại trở nên hấp dẫn, mới lạ trong mắt con trẻ.

Bé Việt Hưng (lớp 1, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội) cho biết, khi tham gia Hội chợ Tết, em được tự tay tập gói bánh chưng, viết câu đối Tết... Được trải nghiệm những phong tục ngày Tết, em rất thích và thấy Tết thật thú vị.

Cô Bùi Thị Quỳnh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn, cho biết, khi tổ chức Hội chợ Xuân cho học sinh, nhà trường mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh, giúp học sinh luôn gợi nhớ đến các món ăn, các trò chơi dân gian. Đây cũng là cách để trẻ hiểu hơn về ngày Tết dân tộc, về sự gắn bó, các em nhớ về cội nguồn, những cảm xúc của tình thâm, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Anh Trần Văn Phúc, Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, gia đình không có thời gian để gói bánh chưng nên năm nào cũng vậy, khi con nghỉ học là gia đình anh gửi các con lên nhà ngoại cho các con được trải nghiệm. Trong khi gói bánh, ông ngoại không quên kể lại câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh giầy” cho các cháu nghe để từ đó các cháu biết được truyền thống của dân tộc. Hai chị em cũng biết được cách gói bánh và háo hức ngồi canh lửa, chờ bánh chín. Bây giờ, bố mẹ đều bận, con mình không biết được những phong tục Tết xưa nên phải tìm cách cho thấy được sự thiêng liêng của ngày Tết.

Giúp trẻ hiểu văn hóa Tết truyền thống

Làm thế nào để con cái chúng ta được trải nghiệm và không thờ ơ với những giá trị Tết truyền thống, đó là nỗi lo lắng của nhiều gia đình.

Về vấn đề này, TS Trịnh Văn Tùng, Trưởng Bộ môn Tâm lý Giáo dục Trường CĐSP Mẫu giáo Trung ương cho rằng, trong tâm lý người Việt, Tết luôn có ý nghĩa rất thiêng liêng. Đó là dịp đoàn tụ, quây quần con cháu sau những tháng ngày xa cách, vất vả vì mưu sinh. Đầu xuân năm mới, mọi người dành thời gian để sum họp gia đình, thăm hỏi ông bà, bố mẹ, họ hàng gần xa, thầy cô giáo cũ, những người không có công sinh thành nhưng lại dạy dỗ, cho ta cách đối nhân xử thế, dạy chữ, dạy nghề. Đúng như truyền thống của người Việt mình, uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo.

Ngày Tết là dịp cả nhà sum vầy bên mâm cỗ thịnh soạn với rất nhiều món ngon sau khi đã cúng tổ tiên. Các món ăn ngày Tết cũng mang nhiều ý nghĩa về mong ước một năm mới an lành và thịnh vượng: Bánh chưng, thịt gà luộc, mâm ngũ quả… Bạn có thể kể bé nghe “Sự tích bánh chưng, bánh giầy” để dạy con trân trọng những người nông dân đã vất vả làm ra hạt gạo trắng thơm.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Văn Tùng, trong ngày Tết giáo dục trẻ đi chúc Tết ông bà, cô dì, chú bác… để trẻ biết những người gần gũi với trẻ, biết kính trọng, lễ phép với những người thân. Dạy con có những lời chúc thích hợp với từng người, ví dụ với ông bà thì chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”, với người lớn thì chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”, với anh/chị thì chúc “hạnh phúc, may mắn!”…

Ngoài các hoạt động diễn ra trong ngày Tết trẻ còn được đi chơi, du xuân, tham gia vào các lễ hội truyền thống của từng địa phương để tưởng nhớ đến các bậc tiền bối đã có công với các vùng miền địa phương. Người lớn cần chú trọng đến việc giáo dục trẻ lễ giáo trong ngày Tết để trẻ luôn là những người con ngoan trò giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.