Có rất nhiều lí do được đưa ra nhưng lại không giúp lí giải được mục đích hành vi tiêu cực của trẻ. Bởi vậy, là những người lớn (cha mẹ, thầy cô) cần xác định được mục đích hành vi tiêu cực của trẻ để hiểu được tại sao trẻ lại làm như vậy và có cách xử trí thích hợp, hiệu quả.
Mục đích hành vi không đúng mực của trẻ
Có rất nhiều tình huống dẫn đến những cư xử không đúng của trẻ. Để hiểu và phân tích rõ hành vi không đúng mực của trẻ chúng ta cùng xem xét và phân tích một trong những trường hợp dưới đây:
Bé Hưng năm nay học lớp 3, rất hiếu động và ít khi nghe lời cô giáo. Trong giờ học cháu không ngồi im, chăm chú nghe giảng hay tham gia phát biểu như các bạn khác mà thường xuyên mất tập trung, làm việc riêng trong giờ học hoặc quay bên phải rồi bên trái để trêu đùa các bạn.
Có khi cháu còn ngang nhiên giật bút, thước kẻ của bạn rồi cốc đầu bạn bên cạnh. Nhiều khi cháu còn rình lúc cô giáo đang viết bài trên bảng chạy ra khỏi chỗ, xuống các bàn cuối lớp giựt bút, sách của bạn. Mục đích của cháu chỉ trêu đùa các bạn nhằm gây sự chú ý với mình, khiến giờ dạy của cô trò gián đoạn do cô phải xử lí xong hành vi của Hưng mới tiếp tục giờ học. Nhiều khi xử lí xong việc thì giờ học đã kết thúc, cô trò không thoải mái và giờ học không đảm bảo.
Cô giáo đã nhiều lần gọi bố, mẹ bé Hưng đến trường để trao đổi. Gia đình bé Hưng cũng đã có nhiều biện pháp giáo dục nhưng bé Hưng vẫn chưa sửa đổi được hành vi của mình. Tìm hiểu kỹ về gia đình bé Hưng, cô giáo cho biết: Bố, mẹ bé Hưng do bận làm ăn buôn bán, mọi việc ở nhà đều do một tay bác giúp việc chăm lo, quán xuyến. Bé Hưng là con một nên cưng chiều thái quá sinh ra ngỗ ngược, thích làm theo ý của mình.
Theo ThS. Nguyễn Thị Mai Hương - giảng viên khoa Công tác xã hội Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Với câu chuyện về bé Hưng kể trên thì sẽ có 4 tình huống có thể xảy ra. Tình huống thứ nhất chúng ta cần trả lời câu hỏi: Hưng làm thế nhằm mục đích gì? Các hành vi của Hưng có thể để thu hút sự chú ý của cô giáo, bạn bè, làm cho cô giáo bận bịu với mình.
Đằng sau hành vi thu hút sự chú ý là suy nghĩ sai lệch của trẻ, trẻ có thể nghĩ: Mình chỉ cảm thấy quan trọng khi nhận được sự quan tâm, chú ý của cha mẹ, thầy cô. Hàng ngày, ở nhà không có ai gần gũi trò chuyện, quan tâm đến nên ở lớp Hưng đã gây sự chú ý với cô và bạn bè bằng cách tiêu cực: giật bút, thước của bạn, đánh bạn...
Tình huống thứ 2, có thể Hưng muốn thể hiện cho cô giáo thấy em có thể làm bất cứ điều gì em muốn để (thể hiện quyền lực, chứng tỏ bản thân).
Tình huống thứ 3, có thể Hưng cảm thấy bị tổn thương và muốn gỡ hòa với cô hoặc với bạn ( muốn trả đũa, trả thù). Trong suy nghĩ lúc này, trẻ chỉ nghĩ được rằng phải làm người khác bị tổn thương vì trước đó trẻ đã cảm thấy bị tổn thương, bị đối xử không công bằng nhằm trả đũa.
Tình huống thứ 4 có thể xảy ra, Hưng cảm thấy không thể làm được bài, thấy quá sức, thấy đằng nào cũng thế, nên không muốn thử hoặc cũng có khi bài quá dễ, quá buồn chán. Hành vi thể hiện sự không thích hợp chính là hành vi chống đối, quậy phá, né tránh không chịu học nữa vì cảm thấy nhiệm vụ quá sức so với mong mỏi của cha mẹ, thầy cô.
Người lớn phải ứng xử thế nào?
Khi trẻ ngoan mọi chuyện đều ổn, nhưng khi trẻ hư và có vấn đề về hành vi thì người lớn bắt đầu lo lắng và sau đó nhiều người đã dùng các biện pháp mạnh để thay đổi hành vi không mong muốn với trẻ. Nhiều người đã dùng hình thức mắng, phạt hoặc nịnh để trẻ không làm nữa. Thế nhưng nhiều người lớn chúng ta chưa nắm bắt được tâm lí của trẻ, chưa tìm hiểu kỹ xem mục đích của trẻ là gì, trẻ cần gì, trẻ đang tìm kiếm gì? Vì vậy mà những hành vi của trẻ làm khiến người lớn thấy khó chịu.
Xét về các hành vi này, phần lớn các chuyên gia giáo dục cho rằng tất cả các hành vi tiêu cực của trẻ đều có thể quy về 1 trong 4 tình huống trên, thế nhưng nhiều bậc cha mẹ và thậm chí là thầy cô đều không nhận ra ngay lúc đó mà thường cho rằng đó là hành vì cư xử không đúng mực và thường đánh mắng trẻ.
Để có những hành vi ứng xử đúng, theo ThS. Nguyễn Thị Mai Hương trước hết cần xác định mục đích sau lệch của hành vi tiêu cực ở trẻ. Có thể dựa vào cảm giác của mình mà vận dụng theo 1 trong 4 mục đích vừa đề cập trên với trẻ; hoặc dựa vào phản hồi của trẻ khi người lớn cố gắng thay đổi hành vi của trẻ.
Thứ hai, thái độ ứng xử của người lớn khi gặp hành vi của trẻ giống với bé Hưng ở trên nên dùng nhiều phương pháp kỷ luật khác nhau, có thể tíc cực, có thể tiêu cực. Lưu ý rằng, cả 4 dạng hành vi ở trên đều có xu hướng dẫn tới việc người lớn đánh, mắng, phạt trẻ về thể chất hoặc tinh thần.
Thứ ba, với loại hành vi nhằm thu hút sự chú ý, người lớn nên có những biện pháp tích cực như: gần gũi với trẻ để tìm hiểu sâu hơn về tâm lí của trẻ đồng thời cũng có biện pháp răn đe để trẻ nhận thức được hành vi đúng sai của mình mà sửa.
Với hành vi nhằm thể hiện quyền lực thì người lớn nên bình tĩnh để đưa ra biện pháp giáo dục trẻ thích hợp: răn đe và kỷ luật tích cực giúp trẻ nhận ra lỗi của mình mà sửa.
Với loại hành vi nhằm trả đũa, người lớn nên kiên nhẫn, không nên nóng nảy để vừa có biện pháp tâm lí: nói chuyện thẳng thắn với trẻ, khích lệ, răn đe… để trẻ nhận thức được hành động của mình mà sửa chữa.
Với loại hành vi thể hiện sự không thích hợp, né tránh thất bại, người lớn không nên phên phán, chê bai trẻ mà dành thời gian rèn luyện, phù đạo cho trẻ đặc biệt là về học tập.
Trừng phát, đánh mắng trẻ về những hành vi không đúng mực là không nên bởi nhiều khi trẻ không ý thức được những suy nghĩ, niềm tin sai lệch của mình. Bởi vậy người lớn cần có biện pháp tích cực giúp trẻ nhận ra những cư xử không đúng của mình mà sửa chữa.