Giúp sinh viên khai phá năng lực

GD&TĐ - Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự thay đổi nhanh chóng trong phương pháp tiếp cận tri thức đặt ra nhiều thách thức cho những người làm nghề giáo.

PGS.TS Lâm Minh Châu tại một buổi tọa đàm khoa học. Ảnh: ITN
PGS.TS Lâm Minh Châu tại một buổi tọa đàm khoa học. Ảnh: ITN

Thầy cô không chỉ đơn thuần là người truyền đạt tri thức, mà còn trở thành người định hướng, truyền cảm hứng, giúp học trò khai phá tiềm năng và rèn luyện thế mạnh của bản thân.

Điểm nhấn sáng tạo trong tiếp cận người học

Mới đây, một giảng viên đại học tổ chức cuộc thi “Nước mắt Lacoste” giúp sinh viên gỡ điểm khiến đông đảo dân mạng bày tỏ sự thích thú và ủng hộ nhiệt tình. Chủ nhân của ý tưởng sáng tạo đó là PGS.TS Lâm Minh Châu, giảng viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

giup-sinh-vien-khai-pha-nang-luc-3.jpg
PGS.TS Lâm Minh Châu, giảng viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: INT

Cụ thể, cuộc thi dành cho sinh viên vắng mặt trong tiết học Nhân học kinh tế song vẫn có thể gỡ điểm bằng cách viết một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Facebook hoặc làm một video TikTok để thể hiện tinh thần hối hận về việc nghỉ học mà không xin phép. Người dự thi còn phải đăng một tấm hình chân dung không qua chỉnh sửa và bài viết hoặc video phải đạt hơn 200 tương tác hoặc 20 chia sẻ.

“Ngôn ngữ và văn phong sử dụng tốt nhất là nên viết theo lối hiện thực lãng mạn trào phúng và cố gắng thể hiện được tinh thần lười biếng rất đáng khen của những người nghỉ học. Những ai hoàn thành các yêu cầu nêu trên sẽ được “xóa án tích”, “phục hồi nhân phẩm”, trở lại làm người thường. Còn những ai không đủ điều kiện thì thôi, đừng nghĩ nhiều làm gì, đi săn sale đi cho thanh thản”, thể lệ cuộc thi đưa ra yêu cầu.

Ngay khi đăng tải về cuộc thi “là lạ” này, bài viết đã nhận về hàng nghìn lượt tương tác, bình luận và chia sẻ. Dưới bài đăng, dân mạng đã không ngớt lời khen về ý tưởng đầy sáng tạo và hài hước của thầy giáo.

Bạn Trần Thị Tùng Lâm (25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), cựu sinh viên Khoa Nhân học cho biết, thầy Lâm Minh Châu tổ chức cuộc thi này 3, 4 năm nay và được chính các bạn sinh viên đón nhận vô cùng nhiệt tình.

Thay vì chép phạt, bị trừ điểm chuyên cần hay nặng nề hơn là cấm thi thì đây là một “hình phạt” tuy nhẹ nhàng nhưng vô cùng đáng nhớ đối với những sinh viên nghỉ học không xin phép. Bạn trẻ này còn dí dỏm cho hay, đây cũng là “điểm nhấn gây ấn tượng” đầy thú vị trong quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường.

Tôn trọng sự khác biệt

Chia sẻ về quan điểm cá nhân trong giảng dạy, PGS.TS Lâm Minh Châu cho rằng, những giờ học trên lớp không nên quá căng thẳng, gò bó, đặc biệt là ở bậc đại học. Bởi ở lứa tuổi này, sinh viên đã có sự nhận thức nhất định về mức độ cần thiết của việc học.

“Rất vô nghĩa khi ép buộc các bạn sinh viên trong học tập. Tôi có thể soạn những quyển giáo án, những bài phát biểu dài và đứng trên bục giảng bài cả buổi song ở dưới sinh viên chẳng mấy chú tâm lắng nghe, hoặc vẫn nghe nhưng “tâm hồn treo ngược cành cây”, hay thậm chí làm việc riêng.

Dần dần, tôi nhận ra hiệu quả của tiết học phụ thuộc phần lớn vào thái độ của người ngồi dưới. Vì vậy theo tôi, điều quan trọng là không khí của buổi học hôm đó. Nếu tạo được sự thoải mái, khơi dậy được niềm hứng thú của người học thì bao giờ kết quả cũng tốt hơn”, thầy Minh Châu lý giải.

Là một giảng viên có tư tưởng dạy học khá mới mẻ và cởi mởi, song PGS.TS Lâm Minh Châu cho biết bản thân luôn có sự cân đối, để sinh viên tự do trong một khuôn khổ nhất định. Một mặt, thầy muốn tạo sự thoải mái nhằm khơi dậy hứng thú học tập cho sinh viên. Mặt khác, thầy cũng có những quy tắc, không “dễ dãi” để tập thể trở nên quá tùy hứng, tùy tiện.

“Có hai luồng quan điểm giáo dục mà tôi cảm thấy không còn phù hợp ở xã hội hiện đại: Quá rập khuôn hoặc quá dễ dãi. Bởi nhiều đứa trẻ rất thông minh và có năng lực nhưng lại không thích bị ràng buộc. Mặt khác, nếu quá lỏng lẻo và tùy tiện thì khi bước chân ra xã hội, vấp phải các nguyên tắc và khuôn khổ sẽ khiến các em bị choáng váng và khó hòa nhập”, người thầy tâm huyết cho biết.

Thầy Châu cũng chia sẻ rằng, các quy định về việc nghỉ học đã được thầy cô đặt ra và thống nhất với sinh viên ngay từ buổi học đầu tiên. Sinh viên có quyền nghỉ nhưng cần xin phép bởi mỗi cá nhân đều có những nhu cầu riêng, có những góc nhìn và quan điểm khác nhau, cần được ghi nhận và lắng nghe.

Mặc dù không đặt nặng hình thức song người thầy này luôn có những cách riêng để nhận biết và ghi nhận việc tiếp thu kiến thức của mỗi cá nhân để có sự đánh giá công bằng đối với các bạn trẻ.

“Tôi có những quy tắc chấm điểm các bài tiểu luận, niên luận… rất rõ ràng và qua đó nắm được việc học tập của sinh viên. Thông thường, những sinh viên làm bài ở mức độ có nghe giảng, tiếp thu đủ kiến thức và hiểu bài, tôi sẽ cho 8 điểm. Bởi trong tất cả các buổi giảng dạy, tôi luôn đưa vào những thông tin, câu chuyện, vấn đề ngoài giáo trình và các tài liệu tham khảo nên có thể dễ dàng nhận định được ai có đến lớp, có nghe giảng và chú tâm vào bài học hay không. Điều đó sẽ được tôi nhắc lại nhiều lần trong nhiều buổi học.

Vì vậy những ai không tới lớp, hoặc có mặt nhưng không nghe giảng, cũng không đầu tư thời gian tự tìm hiểu và tự học thì mọi kết quả đều thể hiện rõ trên bài thi. Những bạn sinh viên đó phải chấp nhận với kết quả điểm số và tự chịu trách nhiệm cho quá trình học tập của mình”, vị giảng viên này chia sẻ.

Những ai được điểm 9 là những người hiểu vấn đề sâu hơn, biết cách triển khai đi vào chi tiết, lấy ví dụ và vận dụng vào những tình huống thực tế… Còn điểm 10 tuyệt đối là dành cho những bạn sinh viên có cách tiếp cận vấn đề và lối tư duy thật sự khác biệt, mới mẻ.

Trong những buổi học của thầy Châu, sinh viên có thể tự do phản biện trao đổi về ý kiến của giảng viên. Với thầy, quan điểm không có đúng hay sai, miễn sao phải đưa ra được ý kiến hợp lý để bảo vệ luận điểm của mình.

Những sinh viên mạnh dạn nói ra quan điểm cá nhân luôn được thầy Lâm Minh Châu đánh giá cao vì chỉ khi thật sự đầu tư thời gian và chất xám để tìm hiểu, sinh viên mới có thể phát hiện được những khía cạnh khác độc đáo như vậy.

Thầy Lâm Minh Châu cho biết, có thể không phải ai cũng thích phương pháp và thiết kế trong giảng dạy của thầy. Sẽ có những sinh viên ưa chuộng phương pháp học tập truyền thống, ghi chép và học thuộc lòng theo giáo trình.

Tuy nhiên thầy luôn có sự thống nhất với sinh viên ngay từ đầu, nếu đa số cảm thấy hợp lý và thoải mái thì phương pháp dạy học đổi mới này vẫn sẽ được áp dụng. Nhìn chung, việc dạy học là một quá trình có sự tương tác, sẻ chia giữa người thầy và trò.

giup-sinh-vien-khai-pha-nang-luc-1.jpg
Trang Facebook với lượt theo dõi và tương tác 'khủng' của PGS.TS Lâm Minh Châu. Ảnh chụp màn hình

Thấu hiểu để khai thông và định hướng

PGS.TS Lâm Minh Châu khẳng định, mỗi thời đại, mỗi thế hệ đều có những lối tư duy và suy nghĩ rất khác biệt. Lấy ví dụ, lứa trẻ thuộc thế hệ Gen Z (thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012), họ lớn lên trong thời đại kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, cùng các xu hướng, trào lưu mới và độc đáo.

Bởi vậy, họ năng động và có sự thay đổi lớn về cách tiếp cận và sử dụng công nghệ, có sự quan tâm đến vấn đề xã hội, môi trường. Điều này dẫn đến việc ở thời đại ngày nay, thầy cô không chỉ có vai trò truyền đạt tri thức, mà còn trở thành người định hướng, truyền cảm hứng và kinh nghiệm thực tế.

giup-sinh-vien-khai-pha-nang-luc-2.jpg
Cuộc thi 'Nước mắt Lacoste' khiến dân mạng và sinh viên thích thú. Ảnh chụp màn hình

“Giới trẻ hiện nay đặt ra các tiêu chuẩn cao đối với cuộc sống, có thái độ đa dạng và mở rộng trong suy nghĩ. Vì vậy, họ không mặc nhiên thừa nhận các trật tự, chỉ thừa nhận những người mà họ tôn trọng và những điều mà họ cảm thấy đúng đắn.

Không phải cứ đứng trên bục giảng thì sẽ đương nhiên được học trò kính nể, mà cần phải khiến cho học trò cảm thấy tự hào và xứng đáng khi gọi hai tiếng “thầy”, “cô””, thầy Châu nói.

Sau nhiều năm dạy học cho các lứa sinh viên, thầy Châu nhận thấy bất cứ ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Có những bạn sinh viên tư duy không quá sắc sảo nhưng lại rất nhiệt tình và tích cực, có những người tuy không hoạt ngôn nhưng lại giỏi thiết kế trình chiếu… Nói cách khác, trong tập thể không chỉ có một, hai người giỏi mà mỗi người đều giỏi ở một góc độ nào đó.

Điều đó đồng nghĩa trong giáo dục, không có công thức nhất định áp dụng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên không phải người học nào cũng tự nhận thức được lợi thế của mình. Vì vậy, thầy cô đóng vai trò là người phát hiện và định hướng cho các em phát huy được năng lực.

“Tư duy giáo dục không nên đóng khung, con trai không nhất thiết phải giỏi môn Toán, con gái cũng chẳng mặc định phải học tốt môn Văn. Thực tế cho thấy, có rất nhiều nam nhà thơ, nhà văn với những tác phẩm nổi tiếng như Tố Hữu, Nam Cao… Bên cạnh đó, phụ nữ như bà Marie Curie cũng có thể đạt giải Nobel Hóa học.

Thậm chí, cho tới thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng chỉ những môn Toán, Lý, Hóa hay Văn, Sử, Địa mới là quan trọng, các môn khác như Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc… đều là môn phụ. Nếu vẫn giữ suy nghĩ thiển cận đó, làm gì có họa sĩ xuất sắc, ca sĩ giỏi, đầu bếp tài hoa, vận động viên xuất chúng?.

Theo tôi, hãy tôn trọng và giáo dục lớp trẻ dựa trên thiên khiếu của người học. Bởi nếu không có tố chất, sự đam mê và yêu thích, sẽ rất khó khăn cho trẻ khi bị “ép” vào một khuôn mẫu do người lớn tạo ra.

Ngược lại, năng lực thật sự nếu được khai phá đúng thì sẽ có rất nhiều cơ hội để “tỏa sáng”. Chính vì thế, nền giáo dục nói chung và thầy, cô giáo nói riêng đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện, định hướng và rèn giũa tài năng của các thế hệ sau này”, PGS.TS Lâm Minh Châu nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing của Mỹ.

Triển khai Oreshnik và bước đi trước

GD&TĐ - Việc Nga và Belarus đồng ý triển khai tên lửa Oreshnik tại Minsk được coi là thông điệp rõ ràng nhất với sự hiện diện của tên lửa Mỹ tại Đức.

Quỷ hồ bên mép thác Victoria, chỉ những ai 'gan thép' mới dám xuống tắm. Ảnh: Thecollector.com.

5 danh lam hùng vĩ nhất châu Phi

GD&TĐ - Với diện tích 30,3 triệu km2, châu Phi có rất nhiều vùng khí hậu và sinh thái với hệ thống động – thực vật độc đáo, cảnh quan ngoạn mục.