Trong bối cảnh thời đại số và quá trình giao lưu, hội nhập diễn ra mạnh mẽ, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy những giá trị gốc rễ của văn hoá dân tộc, và giáo dục góp một phần quan trọng trong hành trình ấy.
Văn hoá - điểm tựa của giáo dục
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035, dự kiến thông qua vào tháng 11/2024 hướng đến đưa văn hóa thành bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, xây dựng nguồn lực văn hoá - nghệ thuật chuyên nghiệp, phát huy tính dân tộc, khoa học và đại chúng, hội nhập quốc tế và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam.
Trong nhà trường, để những di sản văn hoá dân tộc được biểu hiện vẹn toàn, văn hoá được lồng ghép vào những bài giảng, những câu chuyện kể, lời ca và tiếng hát.
Tại Trường Phổ thông Liên cấp và Song ngữ Maya, học sinh được tiếp cận với văn hoá thông qua các học phần về văn hoá, lịch sử, địa lý, văn học, các dự án học thuật và dự án cộng đồng hướng đến phát triển bền vững.
"Nằm trong khu vực sinh sống với hơn 80% dân cư là người Mường, và thường xuyên được tiếp cận với các cô chú cán bộ, nhân viên người dân tộc, các bạn học sinh Maya tự cảm thấy nhu cầu tìm hiểu về cuộc sống, ngôn ngữ, trang phục, thói quen ăn uống, đặc điểm kiến trúc,... của người bản địa tại đây. Và một cách tự nhiên, nghiên cứu về người khác trở thành một cách hiệu quả để hiểu hơn về chính mình" - cô Nguyễn Thị Thuỷ - Hiệu trưởng Trường Maya chia sẻ.
Năm học này, một trong những dự án mà học sinh Trung học Maya khởi xướng và vận hành là dự án "Chung tay cùng người Mường tại Thạch Thất giữ gìn và phát huy kỹ thuật thủ công truyền thống". Đây là giai đoạn mở rộng của dự án cộng đồng đã rất thành công của các bạn trong năm học 2022 - 2023, hướng đến bảo tồn và phát triển kỹ thuật làm gối mặt huyệt của người Mường - một nét đẹp văn hóa đang mai một trong xã hội hiện đại.
Đây là minh chứng cho sự quan tâm, gắn bó và ý thức trách nhiệm của các bạn trẻ còn trên ghế nhà trường trong hành trình gìn giữ những di sản văn hoá của dân tộc.
Dòng chảy văn hóa trong âm nhạc
Mới đây, trình diễn "Tri thức bản địa về âm nhạc" với chủ đề "Tiếng ru đời người" do Mạng lưới Tiên phong Việt Nam đồng hành cùng Trường Phổ thông Liên cấp Song ngữ Maya tổ chức trong chuỗi sự kiện "Góp một tiếng nói về đổi mới giáo dục" đã mang đến những trình diễn văn hoá - âm nhạc đặc trưng của 11 dân tộc anh em trải dọc trên khắp miền đất nước. Đây là cơ hội mà nhà trường tạo ra để trau dồi cho các bạn trẻ tri thức về văn hoá bản địa và sự rung động trước vẻ đẹp của văn hoá dân tộc.
Từ những nhạc cụ tái hiện âm thanh sống động trong đời sống của người Chăm như tiếng gió thổi, tiếng suối reo, tiếng rì rào nơi xóm núi; đến câu chuyện về cách người Mông sử dụng âm nhạc để đưa tiễn và mừng cho một kiếp người đã hoàn thành tốt đẹp khoảng thời gian sống trên đời, hay ý nghĩa tinh thần linh thiêng của tiếng đàn, tiếng chuông trong văn hoá của người Tày - tất cả được kể lại bởi chính những nghệ sĩ mang trong mình niềm tự hào sâu sắc về dân tộc.
Đặc biệt, trình diễn đẹp đẽ về lời ru của các tộc người đã mang đến một không gian văn hoá - nghệ thuật đầy cảm xúc, đa dạng về hình thức, đa sắc về trang phục, phong phú về nhạc cụ và sâu sắc về giá trị tinh thần. Không chỉ lan toả hiểu biết về văn hoá đến thế hệ học sinh, diễn xướng đã chạm đến cảm xúc của cả những bậc phụ huynh, những người mong muốn tìm về cội nguồn và đem lòng yêu những giá trị văn hoá của dân tộc.
"Được chìm đắm trong không gian âm nhạc rất đặc sắc, mình cảm thấy rất xúc động và biết ơn... Trong thời đại ngày càng hội nhập, thế giới phẳng và mọi thứ đều phát triển rất nhanh, con người chúng ta sinh ra ở nơi nào, có chung nguồn cội, kết nối và mối quan tâm, khi bước ra thế giới, điều làm chúng ta mạnh mẽ và cho ta điểm tựa tinh thần không gì khác là những gốc rễ về văn hoá và dân tộc, như những gì mà các anh chị đang đóng góp tại đây" - Một phụ huynh học sinh Maya chia sẻ sau chương trình trình diễn "Tri thức bản địa về âm nhạc".
Hình ảnh "cái nôi" khép lại buổi trình diễn đầy cảm xúc như một biểu tượng của nguồn gốc, những kết nối ban đầu, đồng thời là tượng trưng về một tương lai tươi sáng của sự đổi mới, bắt đầu từ giáo dục.
Chuỗi sự kiện “Góp một tiếng nói cho đổi mới giáo dục" tiếp tục diễn ra từ ngày 26/10 đến ngày 10/11/2024 với các hội thảo, workshop, lớp học thực tế, trưng bày dự án cộng đồng của học sinh trường Maya, và nhiều hoạt động đặc sắc khác.
Địa điểm: Không gian Sáng tạo Liên Ngành Cộng Xưởng - Số 1, Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội